Chiều 5-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc từ Ban Chỉ đạo kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước.

23 địa phương phân thành 3 nhóm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trên cơ sở các tiêu chí kiểm soát dịch theo hướng dẫn của bộ, trong 23 địa phương đã phân thành 3 nhóm.

Nhóm 1 gồm 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Nai và Phú Yên.

Nhóm 2 gồm 11 địa phương đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Khánh Hòa và Đà Nẵng.

Nhóm 3 gồm 4 địa phương: TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch.

 Thủ tướng: Giãn cách chập chờn thì mất cả hai  - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính họp trực tuyến với hơn 9.000 điểm cầu để chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19, ngày 5-9. Ảnh: NHẬT BẮC

Bộ Y tế nhận định TP HCM đang trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố, dẫn đến số ca mắc mới tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Bình Dương, Long An, Tiền Giang có số ca mắc được phát hiện qua tầm soát cộng đồng, sàng lọc tại cơ sở y tế trong 7 ngày vừa qua vẫn ở mức cao (khoảng 30%-50%). Các tỉnh, thành còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát.

Đến nay, hơn 15 triệu người lao động được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với số tiền trên 8.400 tỉ đồng; 1,2 triệu lao động tự do được hỗ trợ với số tiền 2.180 tỉ đồng. 37.000 hộ sản xuất - kinh doanh cũng đã nhận được hỗ trợ.

Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo nêu rõ các TP Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ... khi ban hành các quy định phòng chống dịch - nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa - đã chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như: cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông. Vì vậy, việc này đã gây bức xúc trong dư luận.

Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch vẫn là khâu yếu, nhất là ở cơ sở. Một số xã, phường, thị trấn chưa thực hiện nghiêm, chưa quyết liệt, còn có tình trạng lúng túng trong phân công nhiệm vụ, phối hợp tổ chức thực hiện.

Ngay tại cuộc họp, trên tinh thần không báo trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kết nối đột xuất với nhiều lãnh đạo xã, phường, quận, huyện có diễn biến dịch phức tạp. Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục kiểm tra xem lãnh đạo cơ sở nắm vững tới đâu về tình hình dịch, phương pháp chống dịch, các quan điểm chỉ đạo của trung ương và liên tục đặt ra các câu hỏi về công tác điều trị các ca F0, công tác y tế, xét nghiệm, bảo đảm an sinh xã hội.

Xét nghiệm tầm soát thường xuyên

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tập trung thống nhất xuyên suốt, tổ chức thực hiện phân cấp, phân quyền cho xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất quản lý trực tiếp về an sinh xã hội, an dân, tổ chức xét nghiệm, tiêm vắc-xin...

Thủ tướng nhắc nhở mục tiêu, quan điểm, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo là đúng hướng nhưng tổ chức còn hạn chế, bất cập, nhất là nguyên nhân chủ quan như nắm tình hình. Một số địa phương ban hành quy định về lưu thông hàng hóa chưa tính toán kỹ lưỡng; thời điểm, cách làm, đánh giá tác động, truyền thông còn bất cập.

Các địa phương đã hy sinh giãn cách xã hội phải đạt được mục tiêu cụ thể. "Mục tiêu trong thời gian giãn cách xã hội làm chập chờn thì mất cả hai - không kiểm soát được dịch mà kinh tế thiệt hại, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng" - Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cho các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm diện rộng tới tất cả người dân, nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ("vùng đỏ"). Xét nghiệm 100% dân số trong vòng 3-5 ngày, nhanh chóng tìm F0 để địa bàn trở về "vùng xanh". Các địa phương đang là "vùng xanh" vẫn tiếp tục xét nghiệm tầm soát thường xuyên, sớm phát hiện F0 và truy vết nhanh, dập dịch nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về tiêm vắc-xin, Thủ tướng nhấn mạnh "vắc-xin tốt nhất là vắc-xin tiêm sớm nhất". Do vậy, phải đẩy nhanh tiêm phủ rộng mũi 1 và nhanh chóng tiêm đủ 2 mũi, đồng thời lập kịch bản thích ứng an toàn cho người dân sau tiêm chủng.

TP HCM: Phát miễn phí 300.000 tờ báo mỗi ngày

Ban Chỉ đạo cho biết TP HCM đã sử dụng trên 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động tự do, người yếu thế trên địa bàn; hỗ trợ trên 1,4 triệu túi an sinh xã hội. Đặc biệt tại TP HCM, hơn 300.000 tờ báo đã được phát miễn phí mỗi ngày để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân khu vực ảnh hưởng do dịch bệnh. Tín hiệu vui là tại TP HCM, hiện có 637 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động với tổng số lao động là 53.045 người.

Theo Thế Dũng

Người lao động