Thủ tướng: ‘Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"

Để vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển tương xứng với tiềm năng, Thủ tướng Chính Phủ nhấn mạnh: “Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đội ngũ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì dân, vì nước, vì lợi ích chung để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-1676243613.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đây là địa bàn chiến lược quan trọng, cũng là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Quy mô kinh tế toàn vùng năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước (đứng thứ 2, sau vùng Đông Nam Bộ); GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ là 141,3 triệu đồng/năm).

Ngoài ra, nơi đây có kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại, tốt so với các vùng trên cả nước, hội tụ đủ 5 phương thức vận tải; thu hút FDI tăng khá nhanh. Đến năm 2020, đứng thứ 2 trong các vùng kinh tế (chiếm khoảng 31,4% tổng vốn cả nước)…

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Hồng hát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp. Cơ cấu thu ngân sách ở một số địa phương chưa bền vững, còn phụ thuộc vào một số ngành nhất định.

Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ. Hạ tầng du lịch còn yếu. Hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; thiếu liên kết giữa các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nông thôn; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.

Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình, nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn, nguyên nhân quan trọng là hạ tầng giao thông kết nối của hai tỉnh này tốt hơn. Một ví dụ khác, khi Hải Phòng triển khai các công trình giao thông kết nối với Quảng Ninh và các tỉnh khác thì Hải Phòng phát triển bứt phá.

"Phân tích như vậy để thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đội ngũ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì dân, vì nước, vì lợi ích chung để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương trong vùng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững để Đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tập trung một số lĩnh vực gồm hạ tầng chiến lược kết nối, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường.

“Phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cả công và tư; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Tự lực, tự cường đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại”, Thủ tướng nói.