Thói xấu 'bắt được trộm là đánh chết bỏ'

Ở xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, không ai được phép tự cho mình 'thay trời hành đạo', tùy tiện dùng bạo lực để trừng trị người khác.
vi-sao-ke-trom-chon-dot-nhap-nha-ban-1024x638-1617504377.jpg
Hình minh họa

Vụ việc bảo vệ tổ dân phố (quận 10, TP.HCM) vừa chửi mắng, đe dọa, vừa đấm đá, thúc cùi chỏ liên tiếp vào mặt hai thiếu niên bị nghi ngờ ăn trộm đang khiến cộng đồng "dậy sóng". Theo dõi video ghi lại toàn bộ sự việc, tôi thấy phẫn nộ trước hành vi côn đồ của nam dân phòng kia. Là một người đứng trong lực lượng thực thi pháp luật, nhưng thay vì hành động theo luật pháp, người này lại tự cho mình quyền lăng mạ, dùng bạo lực để tra tấn trẻ em. Đáng nói, hành vi này lại diễn ra công khai ở trong trường học.

Thực tế, chuyện đánh đập hội đồng kẻ trộm cắp không phải hiếm ở nước ta. Thậm chí, nó đã trở thành thói quen của nhiều người, cứ hễ bắt được trộm cắp là phải đánh chết bỏ, không cho chúng có cơ hội giải thích. Cũng từ đây, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khi những trận đòn đau vượt quá kiểm soát và gây hậu quả nghiêm trọng.

Tôi từng tận mắt chứng kiến cảnh hàng xóm khu tôi hò nhau vây bắt, đuổi đánh, phá xe của hai thanh niên trộm chó. Người cầm gậy, người cầm chổi, có người vác cả thanh sắt to lao ra đánh hội đồng hai tên cẩu tặc. Hệ quả là cả hai mặt bê bết máu, nằm gục tại chỗ, ôm đầu chịu trận, chiếc xe cũng bị đập phá tan tành. Nếu không có mấy người lớn tuổi kịp lao ra can ngăn, có lẽ hai tên trộm khó mà bảo toàn được mạng sống, bằng không cũng tàn tật suốt đời. Ai mà dám chắc hệ lụy sẽ còn lớn đến mức nào?

Lần khác, tôi bắt gặp cảnh người dân đuổi bắt tên trộm ở một cửa hàng mặt phố. Thấy nạn nhân truy hô, đám đông ngồi uống nước gần đó lập tức, vác điếu cày, gạch đá truy đuổi. Sẵn thứ gì trong tay là họ ném, đập tên đạo trích thứ ấy. Sau vài phút vùng vẫy bất thành, tên trộm xấu số chỉ còn biết ôm mặt xin tha, trong khi những đòn đau liên tục giáng xuống, giận dữ và điên cuồng. Mãi tới khi công an khu vực tới giải vây, gã trai mới mếu máo biết mình còn sống.

>> Tài xế ôtô truy đuổi, húc ngã hai tên cướp

Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều những trường hợp người dân dùng bạo lực, số đông để chống trả, trừng phạt kẻ gian. Chắc chắn không ai bênh kẻ trộm cắp, và tôi thừa nhận việc dùng sức mạnh đám đông để khống chế, ngăn chặn trong một số trường hợp là điều cần thiết. Nhưng xin nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một đất nước có luật pháp, người dân phải sống và làm việc theo pháp luật, không ai có quyền thay thế cơ quan chức năng để trừng trị người khác theo kiểu "thay trời hành đạo".

Việc bắt trộm không được khuyến khích người dân vì đó là trách nhiệm của lực lượng công an, cảnh sát. Đánh đập kẻ gian lại càng trái pháp luật vì mọi tội lỗi đã có pháp luật xử lý. Thế nên, tôi cho rằng, người Việt cần sớm từ bỏ thói xấu "cứ hễ bắt được kẻ trộm cắp là đánh đập tàn nhẫn". Đây là thời đại 4.0, không thể có chuyện người với người giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm, bạo lực như thời trung cổ như vậy được.

Ở xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, không cá nhân nào được phép tự cho mình quyền tùy tiện sử dụng bạo lực với người khác. Điều này lại càng đúng với các lực lượng thực thi pháp luật tại địa phương như dân quân tự vệ, bảo vệ khu phố, dân phòng... Càng là người có chức trách thì càng phải nắm rõ điều này, tuyền đối không được phép lạm quyền, sử dụng công cụ hỗ trợ bừa bãi.

Chúng ta từng chứng kiến nhiều trường hợp rơi vào vòng lao lý chỉ vì đánh chết hoặc gây thương tích nặng nề cho tội phạm trộm cắp. Đó là tấm gương để tất cả người dân trong xã hội soi xét và tự chấn chỉnh lại hành vi của mình. Đừng chỉ vì một phút bốc đồng mà tự biến mình từ một người hùng thành một kẻ côn đồ.

Đỗ Duy Nam