Thời không tiền mặt: Quét QR code tăng đột biến, rút tiền qua ATM giảm mạnh

Trong 8 tháng đầu năm, giao dịch qua kênh QR code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị nhưng giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 4% về số lượng và giảm 6% về giá trị.
thoi-khong-tien-mat-quet-qr-code-tang-dot-bien-rut-tien-qua-atm-giam-manh-1694486772.png

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện cả nước có hơn 21.000 ATM, 83 ngân hàng triển khai Internet Banking, 50 ngân hàng triển khai Mobile Banking, hơn100.000 điểm thanh toán QR, hơn 462.000 điểm POS, 50 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…

So cùng kỳ năm 2022, 8 tháng năm 2023, giao dịch qua Internet tăng 76% về số lượng và 1,79% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị; giao dịch qua mobile tăng 65% về số lượng và 77% về giá trị; doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử đạt 20,5 tỷ USD; giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 4% về số lượng và giảm 6% về giá trị… Qua đó góp phần thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Tính đến cuối tháng 6/2023, số lượng thẻ ATM lưu hành đạt 138,98 triệu thẻ (tăng 0,48% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC (27 ngân hàng đang triển khai). Đến hết năm 2022, số người trưởng thành có tài khoản (bao gồm tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng tại tổ chức tín dụng đạt khoảng 77,41%.

Tuy nhiên, với sự cạnh tranh trên thị trường gia tăng, hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng đối mặt với các rủi ro phát sinh tương ứng với xu hướng thị trường, có thể kể đến như: tội phạm công nghệ cao tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật để lấy thông tin khách hàng; khách hàng cố tình trục lợi hoặc lợi dụng các chính sách của ngân hàng; tình trạng thanh toán khống,… đang gia tăng.

Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến của các đối tượng tội phạm này là: giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, thuế, bảo hiểm xã hội yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng (App) giả mạo trên điện thoại, âm thầm kiểm soát điện thoại, thực hiện giao dịch chuyển tiền chiếm đoạt; tuyển cộng tác viên bán hàng online, người mẫu nhí, làm nhiệm vụ đơn hàng, kêu gọi đầu tư chứng khoán,... sau khi người bị hại chuyển tiền các đối tượng chiếm đoạt, thông qua tiền ảo chuyển ra nước ngoài; lập website, giả mạo nhân viên các ngân hàng, công ty tài chính đăng bài quảng cáo cho vay thủ tục nhanh, gọn, yêu cầu nộp các loại phí để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, một số thủ đoạn mới được các đối tượng tội phạm sử dụng gần đây có thể kể đến như: sử dụng công nghệ AI (Deepfake) để giả mạo khuôn mặt, giọng nói (Deepvoice) liên hệ người người thân, bạn bè chuyển tiền; giả mạo dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo; lập doanh nghiệp “ma”, mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền đầu tư chứng khoán, Forex,...