Gần cuối ngày 9-3, giá vàng SJC được các doanh nghiệp giao dịch phổ biến quanh 54,7 triệu đồng/lượng mua vào, 55,15 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 450.000 đồng/lượng so với hôm trước. Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được niêm yết quanh 51,8 triệu đồng/lượng mua vào, 52,4 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 700.000 đồng/lượng so với hôm trước.

Tăng nguy cơ nhập lậu vàng

Giá vàng trong nước giảm mạnh vào cuối ngày giúp khoảng cách chênh lệch với giá thế giới rút ngắn, dù vẫn ở mức rất cao. Gần cuối ngày, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mức 1.698 USD/ounce, mất hơn 20 USD/ounce so với phiên trước. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết, giá vàng thế giới hiện khoảng 47,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC tới 7,7 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng trang sức 5 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng cần chính sách quản lý phù hợp hơn - Ảnh 1.

Thị trường vàng thường trầm lắng trong nhiều năm qua .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cách biệt quá lớn của giá vàng trong nước và thế giới những ngày qua đã tăng nguy cơ gom USD nhập vàng theo đường biên mậu. Giá USD tự do cũng liên tục đi lên. Ngày 9-3, giá USD tự do tại TP HCM được một số tiệm vàng giao dịch quanh 23.900 đồng/USD mua vào, 23.950 đồng/USD bán ra, tăng thêm khoảng 100 đồng/USD so với hôm qua, cao hơn giá USD ở các ngân hàng thương mại tới 800 đồng/USD.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định tỉ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do đã tăng mạnh 450 - 470 đồng/USD kể từ đầu năm, tương đương mức tăng 2%, một phần nguyên nhân là do chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế liên tục giữ ở mức cao. Dù vậy, trên kênh giao dịch chính thức nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn khá dồi dào.

Biên độ chênh lệch giá mua - bán cả vàng SJC lẫn vàng trang sức được các doanh nghiệp giữ ở mức 400.000 - 600.000 đồng/lượng, phản ánh nhu cầu giao dịch trên thị trường không sôi động. Giá vàng trong nước neo cao ở cả chiều mua vào và bán ra.

Ông Đặng Hồng Tuấn, chủ tiệm vàng Bảo Trâm (TP HCM), cho biết do chênh lệch giá vàng trang sức với thế giới ở mức quá cao, thường trên 5 triệu đồng/lượng thời gian qua khiến cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đều hạn chế tham gia thị trường, bởi sợ rủi ro. Nhu cầu giao dịch vàng trang sức từ sau ngày vía Thần Tài đến nay cũng rất thấp.

Thị trường trầm lắng nhưng vì sao giá vàng SJC vẫn neo quá cao? Các doanh nghiệp nhiều lần lý giải do nguồn cung hạn chế, cả vàng trang sức lẫn vàng SJC. Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức hoặc để gia công vàng SJC.

Không còn là kênh lướt sóng

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận thời gian qua đã điều hành thị trường tiền tệ, ngoại hối về cơ bản ổn định; nguồn vốn bằng ngoại tệ và vàng từng bước được chuyển hóa thành tiền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực phân tích hiện không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng, vì Chính phủ đã sớm đưa loại tài sản này vào quản lý chặt chẽ và ổn định giá từ năm 2014 đến nay. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng cũng được cơ quan quản lý đưa về một mối là Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, nhu cầu về đầu cơ vàng của Việt Nam là tương đối thấp so với giai đoạn trước.

Giá vàng trong nước chênh lệch với thế giới chủ yếu vì chi phí vàng ở trong nước tương đối cao, từ công chế tác, thuế nhập khẩu và các loại phí giao dịch khác… Cùng với đó là yếu tố thời vụ, trong giai đoạn trước và sau ngày vía Thần Tài, giá vàng vẫn sẽ cao hơn thời điểm bình thường.

"Dù vậy, về lâu về dài, cơ quan quản lý cần có giải pháp để giá vàng trong nước và thế giới có sự cân bằng, lưu thông với nhau. Giá vàng ở Việt Nam không thể mãi "một mình một chợ" vì sự chênh lệch quá lớn như hiện nay dẫn tới nguy cơ đầu cơ và nhập lậu vàng vào nước ta" - TS Cấn Văn Lực nhận định.

Một chuyên gia theo dõi thị trường vàng nhiều năm phân tích rằng nếu khoảng 10 năm trước, vàng SJC chiếm khoảng 70%-80% thị phần, thì nay tỉ trọng này đã giảm rất nhiều. Nhiều ngân hàng thương mại đã "xóa sổ" vàng miếng trong danh mục kinh doanh; giảm mạnh số lượng phòng giao dịch, chi nhánh được mua bán vàng.

"Vàng SJC không còn nguồn cung, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại cũng chỉ mua đi bán lại chứ không "ôm" số lượng lớn như trước. Tỉ trọng vàng SJC trên thị trường ngày càng giảm, nên cần chính sách quản lý phù hợp hơn" - chuyên gia này nói.

Theo chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, vàng không còn là phương tiện thanh toán - một loại được xem như tiền tệ trong nhiều năm trước. Nếu xem vàng là một loại hàng hóa thì cần phải có sự liên thông với quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập như hiện nay. Việt Nam không sản xuất được vàng nhiều, phải nhập chủ yếu từ thế giới. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để tăng cung cho thị trường vàng nhằm kéo giá vàng trong nước đi xuống.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền. Thay vào đó, có thể cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý.

Một số đề xuất khác cho rằng hiện trên thị trường chỉ còn "vàng hàng hóa", tức vàng là một loại tài sản có giá trị được người dân cất trữ nhằm bảo đảm tài sản. Do đó, nhà nước có thể nghiên cứu giải pháp quản lý phù hợp hơn, vừa không ảnh hưởng chính sách tiền tệ, chống vàng hóa nền kinh tế vừa bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc đầu cơ vàng trong nước hiện có nhiều rủi ro lớn khi cả giá vàng miếng lẫn vàng trang sức cách biệt quá lớn so với thế giới.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp cơ quan quản lý can thiệp tốt và mạnh vào giá vàng giúp chênh lệch thu hẹp sẽ khiến việc đầu cơ, găm giữ vàng của nhà đầu tư có thể dẫn tới thua lỗ.

Theo Thái Phương

Người lao động