Giá đất sôi động
Theo quan sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, sau khi Chính phủ phê duyệt đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc và các cây cầu mới kết nối với TP.HCM, thị trường bất động sản một số tỉnh vùng Tây Nam Bộ đã có nhiều tín hiệu sôi động hơn.
Những năm gần đây, Tây Nam Bộ được tập trung đầu tư phát triển hạ tầng với việc cải tạo và xây mới loạt công trình giao thông, góp phần tạo ra kết nối thuận lợi giữa các tỉnh thành trong nội vùng và với các khu vực khác trên cả nước. Hàng loạt dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Đại Ngãi, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, giúp tuyến giao thông đường bộ của Tây Nam Bộ gần như kết nối hoàn toàn, không còn cảnh đi phà, thuyền ghe như trước đây. Nhờ đó, vận tải hàng hóa và hành khách không chỉ được thông tuyến, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM tới Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, mà xa hơn nữa là về tới Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu.
Dựa trên thế mạnh tiềm năng tự nhiên cùng sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đang dần chuyển mình và trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút giới đầu tư thời gian gần đây.
Đáng chú ý, giá đất tại khu vực Tây Nam Bộ hiện nay còn thấp so với nhiều khu vực nên vẫn có tiềm năng tăng giá. Hiện tại giá đất tại hầu hết các khu vực đều tăng khoảng 30 - 35% so với thời điểm khoảng 2-3 năm trước.
Khu vực Tây Nam Bộ đang được đầu tư mạnh về hạ tầng. |
Theo báo cáo quý IV/2020 về thị trường Tây Nam Bộ của Batdongsan.com.vn, giá rao bán đất nền tại Bến Tre trung bình 4,7 triệu đồng/m2, Tiền Giang là 5,5 triệu đồng/m2, Hậu Giang là 9 - 16 triệu đồng/m2; Long An là 6,6 triệu đồng/m2, Cần Thơ là 16 triệu đồng/m2.
Mặc dù chịu ảnh hưởng đáng kể của dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản trên cả nước trầm lắng, nhưng lượng tin đăng bất động sản của khu vực Tây Nam Bộ đã phục hồi đáng kể sau dịch. Riêng lượng tin đăng tháng 12/2020 bằng 90% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn cung tại Long An là 168 dự án, Kiên Giang 54 dự án, Cần Thơ 20 dự án, Hậu Giang 14 dự án và Tiền Giang là 6 dự án.
Dồn dập sóng đầu tư
Theo ghi nhận thực tế, từ năm 2018 đến nay, hàng loạt “ông lớn” trong ngành địa ốc như Vingroup, Mường Thanh, Văn Phú - Invest, Phú Cường Group, CEO Group, Sun Group, Kita Invest Group, FLC Group, Thủ Đức House, Nam Long Group, LDG Group, T&T Group, DIC Group… đã và đang đổ bộ vào thị trường Tây Nam Bộ với nhiều dự án ở tất cả các phân khúc khác nhau.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng ghi nhận, tại Tây Nam Bộ, những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý (có sổ đỏ) được các nhà đầu tư quan tâm và giao dịch mạnh. Tính đến cuối năm 2020, lượng cung ra thị trường khoảng 500 sản phẩm đất nền, tiêu thụ đạt 65%.
Nhận định tiềm năng từng địa phương, Hội Môi giới Bất động sản đánh giá, Trà Vinh là thị trường mới nổi nhưng hứa hẹn mang lại khả năng sinh lợi cao. Việc TP. Trà Vinh được công nhận là đô thị loại II đang tạo ra bước phát triển mới về kinh tế - xã hội của nơi này. Lợi thế Trà Vinh đang có là mặt bằng giá các dự án đất nền không cao, chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu đồng là có thể sở hữu được một nền đất. Phần lớn dự án triển khai ở Trà Vinh là dự án mới, được bán với giá gốc, nên tiến độ thanh toán rất linh hoạt, chia thành nhiều giai đoạn, do đó những người có thu nhập trung bình vẫn có thể tham gia được.
Kiên Giang cũng đang là điểm thu hút giới đầu tư đổ dòng vốn vào 49 dự án với tổng vốn đầu tư 22.660 tỷ đồng, đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2020. Trong đó có nhiều dự án khu đô thị có vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Riêng Phú Quốc (Kiên Giang), sau khi được nâng cấp lên thành phố, đã và đang tạo sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư vì được cấp sổ đỏ sở hữu lâu dài, các giao dịch đất nền đô thị có pháp lý rõ ràng... Những tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup trong thời gian qua đã liên tiếp công bố đưa các khu đại đô thị du lịch ở đảo Phú Quốc vào vận hành khai thác. Điều này đã tạo sức hút, sự sôi động trở lại cho thị trường bất động sản Phú Quốc sau thời gian dài trầm lắng.
Tây Nam Bộ đã chính thức trở thành điểm đến mới trong cuộc đua của các “ông lớn” địa ốc. |
Thị trường bất động sản Long An phát triển nhờ thực hiện kết nối vùng, đẩy mạnh giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nam Bộ. Lợi thế lớn nhất của Long An có được là nằm giữa TP.HCM với vùng Tây Nam Bộ, thông qua trục đường giao thông Quốc lộ 1A và cao tốc Trung Lương. Việc phát triển hạ tầng giao thông như mở rộng Quốc lộ 1A, xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa các huyện của Long An với các quận, huyện của TP.HCM, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, cao tốc Tân Sơn Nhất - Long An… tạo thành một vùng liên kết vệ tinh lớn.
Bất động sản Long An hiện đang có nhiều lợi thế. Cụ thể, khu trung tâm TP. Tân An sẽ chú trọng phát triển những khu đô thị hạng sang, các khu Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc sẽ phát triển những dự án bất động sản trung cấp, phục vụ người lao động tại các khu công nghiệp.
Hiện Long An đã thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản tên tuổi như Thaco, Vingroup, Vạn Thịnh Phát, T&T Group… Hàng loạt nhà đầu tư đã đổ xô về Long An để đầu tư tại nhiều dự án, có thể kể đến là Khu đô thị Phúc An City (Đức Hòa) của Tập đoàn Trần Anh (Trần Anh Group); West Lakes Golf & Villas là dự án biệt thự kết hợp với sân golf (Đức Hòa) do Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế C.S.Q và Trần Anh Group làm chủ đầu tư; dự án Waterpoint (Bến Lức) do Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long triển khai…
Tuy nhiên, cũng bởi dịch bệnh nên lượng tiêu thụ chậm hơn, các dự án chỉ đạt tỷ lệ hấp thụ bình quân khoảng 20%. Một số dự án có tiềm năng tốt, có giá bán dao động từ 21 - 26 triệu đồng/m2. Các vùng khác trong tỉnh có giá bình quân đạt 13 - 15 triệu đồng/m2
Tại Cần Thơ, sau thời gian dài trầm lắng và cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy vậy đến nay, thị trường đã sôi động trở lại. Những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý được các nhà đầu tư quan tâm. Những dự án gần trung tâm thành phố, gần lộ lớn có giá bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/m2. Dự án nằm lớp trong, tiếp giáp lộ nhỏ có mức giá từ 19 - 30 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng khoảng 7% trong vòng 2 năm qua.
Tại Hội thảo Định hướng cơ hội đầu tư vào đầu năm 2021, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã nhận định: “Đồng bằng sông Cửu Long chính là điểm sáng mới của bất động sản với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước 1,3 đến 1,5 lần và nguồn cung mới đa dạng, được đầu tư bài bản”. Vị chuyên gia này cũng cho biết, bên cạnh yếu tố hạ tầng thì nơi đây được xem là điểm đến hấp dẫn và là vùng đất đầy hứa hẹn cho giới đầu tư trong năm 2021 nhờ môi trường minh bạch, thông thoáng./.
Theo An Vũ/Reatimes