Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, ngành thép vẫn có bước tăng trưởng tốt. Cụ thể, sản xuất thép thô cả năm ước đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2020. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và tiêu thụ thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16% so với năm trước.
Trên cơ sở kết quả kinh doanh khả quan đó, một số ông lớn ngành thép Việt đã đề ra hướng đi riêng trong năm 2022. Trong khi Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục tham vọng củng cố vị thế của mình và Thép Nam Kim mở rộng quy mô sản xuất thì Hoa Sen lại muốn chuyển mình từ nhà sản xuất tôn thép, ống nhựa thành một nhà phân phối vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội thất.
Doanh nghiệp thép là nhóm ngành hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung và giá thép toàn cầu tăng trong những tháng đầu năm 2022. Nhiều chuyên gia cho rằng, 2022 sẽ là một năm triển vọng khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ thép tiếp tục tăng mạnh hơn.
Hiện Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á về sản xuất, tiêu thụ thép. Trên bản đồ thế giới, sản xuất thép thô đứng thứ 14. Theo đó, năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường. Ngoài ra, một số sản phẩm như tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội còn xuất khẩu sang các thị trường khác trên thế giới.
Hòa Phát củng cố vị thế
Sau khi trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á vào 2021, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đặt mục tiêu củng cố vị thế của mình với việc khởi công lò cao 85 nghìn tỉ đồng trong năm nay.
Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu củng cố vị thế trên thị trường thép năm 2022
Nhằm tối ưu hóa công suất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Hòa Phát đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để nâng công suất dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 từ 4 lên 6 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ khởi công dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào tháng 5 tới đây.
Được biết, dự án giai đoạn 2 có diện tích trên 280ha, nằm kề bên dự án Dung Quất 1 đang hoạt động. Công suất thiết kế bao gồm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm.
Hiện nay, nhu cầu HRC của Việt Nam mỗi năm khoảng 12 triệu tấn, chủ yếu đến từ nhập khẩu. Vì vậy, với dự án Dung Quất 2, sản lượng HRC sẽ đủ cung cấp cho thị trường trong nước.
Mặt khác, để đảm bảo tính tự chủ đối với loại nguyên liệu quặng sắt dùng trong sản xuất, Hòa Phát đã mua dự án quặng sắt Roper Valley (Australia) với trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.
Đáng chú ý, trong năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đang tích cực tìm kiếm dự án đầu tư mới tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.
Mới đây, tại Đắk Nông, Hòa phát đã đề xuất đầu tư dự án nhà máy sản xuất nhôm với công suất 2 triệu tấn mỗi năm, nhà máy tuyển quặng 5 triệu tấn/năm, dự án điện phân nhôm 0,5 triệu tấn/năm và dự án nhà máy điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW. Theo đó, tổng kinh phí đầu tư của cụm các dự án trên là khoảng 4,3 tỉ USD.
Trước đó, ngày 25/3, đại diện Hòa Phát cũng đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị và bày tỏ mong muốn đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, cảng nước sâu, xây dựng nhà máy thép, sản phẩm sau thép và một số sản phẩm thế mạnh của Hòa Phát tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Tại Thừa Thiên Huế, Hòa Phát muốn được tỉnh này hỗ trợ tìm kiếm một vị trí phù hợp để đầu tư khu đô thị có quy mô lớn. Tại Quảng Ngãi, Hòa Phát đề nghị tài trợ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị - dịch vụ Nam Châu Ổ - Bình Long, huyện Bình Sơn.
Hoa Sen muốn chuyển sang mảng phân phối
Tập đoàn Hoa Sen muốn chuyển mình thành nhà phân phối vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội thất
Trong năm 2021, doanh số xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) đã vượt mốc 1 tỉ USD và đang đứng đầu ngành tôn mạ, đứng thứ hai ngành thép và thứ ba về ống nhựa. Muốn phát triển hơn nữa thì bắt buộc phải đầu tư lớn để làm tổ hợp thép, nhưng Hoa Sen đã thử và từ bỏ vì không phù hợp.
Do đó, Tập đoàn Hoa Sen muốn chuyển đổi từ một nhà sản xuất tôn thép, ống nhựa thành một nhà phân phối vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội thất để tận dụng cơ hội chín muồi từ hệ thống phân phối, khách hàng, đội ngũ quản trị và thương hiệu.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Hoa Sen đã trình cổ đông thông qua chủ trương về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. Cụ thể, Hoa Sen sẽ chuyển đổi một công ty thành viên thành Công ty cổ phần Nhựa Hoa Sen, tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa và thành lập mới Công ty cổ phần phân phối vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen (Hoa Sen Home).
Theo đó, đơn vị này sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home.
Được biết, trong hai tháng đầu năm nay, Hoa Sen tiêu thụ 233.300 tấn tôn mạ, trong đó thị trường xuất khẩu chiếm 56%. Ngoài mặt hàng này, Hoa Sen còn hai sản phẩm chủ lực khác là ống thép và ống nhựa. Về thị phần, Hoa Sen đang đứng thứ 2 trong thị trường ống thép và thứ 3 trong mảng ống nhựa.
Đại diện Tập đoàn Hoa Sen cho biết mảng vật liệu xây dựng nói chung có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn nhiều so với chỉ một vài mặt hàng riêng lẻ mà Hoa Sen đang sản xuất.
Trong niên độ tài chính 2020-2021, Hoa Sen đã đẩy mạnh mở rộng hệ thống siêu thị vật liệu xây dựng & nội thất Hoa Sen Home, nâng quy mô lên trên 80 siêu thị.
Hoa Sen hiện nay không chỉ bán các mặt hàng truyền thống tự sản xuất như tôn mạ, ống thép, ống nhựa, mà còn kinh doanh nhiều sản phẩm của các nhà cung cấp khác, bao gồm sơn bả, thiết bị điện, máy móc cầm tay, thiết bị vệ sinh, ngói, gạch ốp lát, lưới thép, đá mài…
Nam Kim xây dựng nhà máy mới
Nam Kim đầu tư dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ có công suất dự kiến 1,2 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư là 4.500 tỷ đồng
Mới đây, công ty cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã công bố nghị quyết về việc đầu tư dự án nhà máy mới và thành lập công ty con. Theo đó, dự án mới có tên là Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ địa chỉ tại KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương với tổng vốn đầu tư là 4.500 tỉ đồng.
Được biết, dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ có công suất dự kiến 1,2 triệu tấn/năm. Các sản phẩm chính của nhà máy bao gồm tôn cán nguội, thép cuộn, tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), thép ống, thép hộp, thép hình, thép mạ kẽm, băng thép đen…
Bên cạnh đó, Nam Kim cũng cho biết sẽ thành lập công ty con là Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, với tỷ lệ sở hữu của Nam Kim tại đây là 100%.
Trước đó, Nam Kim đã lên kế hoạch di dời nhà kho và dây chuyền sản xuất ống thép sang nhà máy mới, xây dựng trên khu đất 5 ha mua từ Công ty Dea Myung Paper. Năng lực sản xuất ống thép dự kiến được mở rộng từ 180.000 tấn lên 300.000 tấn/năm.
Trong hai tháng đầu năm 2022, Thép Nam Kim đã tiêu thụ được 128.700 tấn tôn mạ, chiếm 15,9% thị phần. Ở mảng ống thép, Nam Kim bán ra gần 27.000 tấn, chiếm 5,8% thị phần và xếp thứ 4 toàn thị trường.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), triển vọng thị trường quý 1/2022 đang chậm lại do nhu cầu trong nước thấp. Xét thị trường tiêu thụ thép tại Việt Nam thì nhu cầu có tín hiệu tích cực cho các công trình dân dụng và hạ tầng cơ sở, đặc biệt đầu tư công lớn.
Mặt khác, VSA cũng kỳ vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Đây sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm nay.