Người trồng thanh long hy vọng thị trường Tết
Cũng theo ông Phan Văn Tấn, hiện tại, bà con trồng thanh long đang chong đèn cho vụ nghịch để có sản phẩm phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán (thu hoạch khoảng từ 10-17/1/2023). Thanh long trái vụ mùa này toàn tỉnh Bình Thuận ước khoảng 9.000ha/26.977ha chiếm khoảng 30% diện tích hiện có của tỉnh.
"Qua theo dõi của ngành nông nghiệp, chúng tôi ghi nhận người trồng thanh long điều tiết việc xử lý ra hoa theo hướng rải vụ. Không tập trung cho việc xử lý ra hoa cùng một thời điểm trên diện tích lớn nhằm để giảm sản lượng cùng một thời điểm và giảm rủi ro về tiêu thụ khi trái chín nhiều…", ông Phan Văn Tấn chia sẻ.
Theo ghi nhận của Dân Việt, trong những ngày cuối tháng 12 này, nhiều hộ dân trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc tỏ ra phấn khởi, vui mừng vì giá thanh long nhích lên. Rất nhiều gia đình đang tất bật chăm sóc cho cây thanh long để có trái chín bán cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Đang chăm sóc vườn thanh long của gia đình rộng hơn 2 hecta ở huyện Hàm Thuận Nam, anh Cao Hoàng Thiện cho biết, với gián bán thanh long ruột trắng hiện nay thì người nông dân có lãi chứ không bị lỗ như năm rồi.
"Gia đình tôi hy vọng đây đến Tết Nguyên đán 2023 giá thanh long sẽ nhích lên thêm tí để bà con có tiền sắm Tết Cổ truyền sung túc và đầm ấm hơn năm rồi bị thất thu vì dịch bệnh Covid…", anh Hoàng Thanh nói.
Chị L.H, một thương lái thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, mấy ngày qua thông tin Trung Quốc mở cửa thu mua nông sản từ Việt Nam nên thị trường thu mua thanh long ở Bình Thuận đang được hâm nóng lại.
"Nhiều doanh nghiệp lớn điện thoại đặt hàng, nhờ chúng tôi thu mua thanh long để đủ hàng đóng đi xuất khẩu nên mấy ngày qua chúng tôi phải đi từ sáng sớm để gặp các chủ vườn thương lượng và đặt cọc trước cho yên tâm. Lâu lắm rồi thị trường thu mua thanh long ở Bình Thuận mới nóng lại như hai năm trước đây và ai cũng hy vọng có cái Tết đầm ấm…". chị L.H vui giọng.
Trao đổi với PV Dân Việt chiều 28/12, ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, giá thanh long ruột đỏ tăng và hiện khoản 35.000-37.000 đồng/kg là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân và doanh nghiệp thu mua.
Tuy nhiên, sản lượng thanh long ruột đỏ hiện còn ít bởi suốt một thời gian dài thị trường xuất khẩu 'đóng băng' vì dịch Covid -19 nên bà con không còn vốn chăm sóc. Nhưng dù sao đi nữa thì giá thanh long tăng như hiện nay là tín hiệu đáng mừng cho người thông thanh long và hy vọng thị trường xuất khẩu sẽ ổn định hơn năm rồi …", ông Trần Đình Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, trước đây, mỗi năm HTX Thanh long Thuận Tiến xuất khẩu từ 800- 1.000 tấn trái thanh long đạt chuẩn GlobalGAP sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Australia, Canada …
Thanh long sẽ trở lại thời hoàng kim!
Trao đổi với Dân Việt về thị trường trái thanh long sắp tới khi Trung Quốc đã mở cửa, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận nhận định: Thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc và hiện nay, thị trường này đang mở cửa trở lại nên các hoạt động giao thương đang diễn ra cơ bản bình thường.
"Sắp đến Tết Nguyên Đán và các lễ hội sau Tết, vì vậy nhu cầu tiêu thụ quả thanh long để phục vụ trong việc cúng kính, tiêu dùng sẽ nhiều hơn; mặt khác với giá từ 9.000-13.000 đồng/kg như hiện nay, theo đánh giá của Sở, trong thời gian đến thị trường tiêu thụ thanh long sẽ có những bước chuyển biến tốt. Hy vọng giá thanh long cuối năm sẽ khởi sắc và khả quan hơn từ đó giúp bà con nông dân ổn định sản xuất…", ông Tấn cho biết.
Riêng việc người dân chặt bỏ thanh long trước đây nay họ trồng cây gì thay thế và thu nhập có bằng thanh long như trước đây, ông Tấn thông tin: Trong thời gian qua, một số nông dân đã chặt bỏ thanh long vì giá cả thanh long giảm mạnh, một số hộ trồng không tiếp tục duy trì sản xuất và một số vườn già cỗi nên các hộ đã phá bỏ vườn.
"Phần lớn diện tích phá bỏ hiện nay, người dân chưa chuyển đổi trồng cây khác. Một số hộ nông dân chuyển đổi sang các cây ăn quả khác như: mít, sầu riêng, xoài, dừa …; các loại cây này là cây lâu năm và mới trồng nên chưa thể đánh giá hiệu quả kinh tế so với trồng thanh long.
Khuyến cáo bà con cân nhắc khi chuyển đổi cây trồng
Cũng theo ông Phan Văn Tấn, trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh và huyện khuyến cáo bà con khi chuyển đổi cây trồng phải có kế hoạch. Đặc biệt là chuyển đổi cây trồng khác đối với các vườn thanh long già cỗi. Bà con cân nhắc điều kiện chăm sóc khó khăn do địa hình trũng thấp, ngập nước, những cây trồng mới sinh trưởng, phát triển kém, năng suất thấp.
Khi chuyển đổi sang một cây trồng khác phải nghiên cứu và tính toán kỹ thị trường tiêu thụ; sự thích nghi với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết.
"Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, Chi cục trồng trọt và BVTV, các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp theo từng vùng sản xuất chuyên canh. Việc chuyển đổi phải phù hợp với từng địa bàn, vùng đất. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thay thế diện tích thanh long già cỗi, năng suất kém để góp phần phát triển ngành hàng thanh long ổn định, bền vững hơn…", ông Phan Văn Tấn khẳng định.
Theo Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Bình Thuận, qua rà soát từng địa phương, tính đến tháng 12/2022, diện tích cây thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn khoảng 26.977 ha, giảm 5.283 ha so với năm 2021.
Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp thích ứng, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
Đặc biệt là tập trung phát triển các vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Ước đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 11.900 hecta thanh long được cấp chứng nhận VietGAP (chiếm 42,7% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh). Hơn 517 hecta thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP và 93 hecta thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản tham gia hội chợ, trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó là tổ chức hội nghị hướng dẫn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử và "Xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam trước bối cảnh tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19, thực thi Lệnh 248 và 249 của thị trường Trung Quốc".
Bên cạnh đó, lập group riêng kết nối các doanh nghiệp, cơ sở có nhu cầu cung ứng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm; thường xuyên cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tình hình tiêu thụ nông sản, đặc biệt là tình hình tiêu thụ thanh long tại các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch điều tiết sản xuất, kinh doanh phù hợp...