Tập đoàn Phương Trang: Kinh doanh bết bát và luẩn quẩn với "cuộc chơi" bất động sản

Tập đoàn Phương Trang không chỉ nổi danh trong lĩnh vực vận tải mà còn sở hữu một danh mục bất động sản đồ sộ. Tuy nhiên, không ít trong số này vướng lùm xùm liên quan đến các đại án và tranh chấp với cư dân.
Phương Trang vốn là thương hiệu gạo cội trong lĩnh vực vận chuyển hành khách tại thị trường phía Nam.
Theo giới thiệu trên trang chủ, thương hiệu này được ra đời từ một doanh nghiệp nhỏ với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại.
Hiện nay, hãng xe này đang phục vụ hơn 20 triệu lượt khách mỗi năm, sở hữu hơn 250 phòng vé, trạm chung chuyển, bến xe và phục vụ hơn 1.600 chuyến xe đường dài và liên tỉnh mỗi ngày.

"Cánh tay vươn dài" lấn sân bất động sản

Đi lên từ lĩnh vực thương mại, song Phương Trang Group của đại gia Nguyễn Hữu Luận còn là một tay chơi trong mảng địa ốc, đặc biệt ở TP.HCM và Đà Nẵng.

Pháp nhân thực hiện các dự án cho tập đoàn này là Công ty cổ phần Bất động sản Phương Trang (Futa Land) ra đời tháng 8/2010. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Cao Thái Hùng (SN 1966) đảm nhiệm.

Ở thời điểm mới thành lập, ông Đặng Đình Tuấn, Tổng Giám đốc Futaland không ngần ngại cho biết chiến lược đầu tư của FutaLand là tập trung vào các phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, nhà phố, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp.
Thời điểm mới ra mắt, Phương Trang đã phối hợp với một số doanh nghiệp bất động sản có tiếng trong TP.HCM để ra mắt sàn giao dịch bất động sản tại 76-82 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM.

Không dừng lại ở đó, FutaLand còn đầu tư vào hàng loạt bất động sản cao cấp khác tại TP.HCM như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) có giá bán thời điểm đó lên đến 90 triệu đồng/m2. Sau đó là hàng loạt các dự án như The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha).

Dự án New Pearl Residence tại TP.HCM. Nguồn: TL

Dự án New Pearl Residence tại TP.HCM. Nguồn: TL

Đáng chú ý nhất trong số đó là dự án căn hộ hạng sang New Pearl, được xem là át chủ bài một thời của Futaland trong kế hoạch phát triển bất động sản. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sở hữu khối bất động sản khá lớn TP. Đà Nẵng, gồm dự án Han Riverview (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove, (120 ha), dự án An Cư 11 và dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang - Vịnh Đà Nẵng (147ha).

Song song đó, tập đoàn của ông Nguyễn Hữu Luận còn đầu tư các dự án trạm dừng chân quy mô lớn tại một số tỉnh thành phía Nam như Lâm Đồng, Tiền Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Cà Mau. Trong đó, nổi bật hơn cả là dự án Trạm dừng chân Phương Trang - Madagui tại Lâm Đồng có vốn đầu tư gần 4 triệu USD.

Tuy nhiên, dù nổi danh trên thị trường, kết quả thực tế của FutaLand lại không mấy khả quan.

Bán dự án theo "lúa non" và bết bát lỗ triền miên qua các năm

Sau một thời gian triển khai và quảng bá rầm rộ, New Pearl - át chủ bài một thời của Phương Trang - không thể hoàn thiện pháp lý để chuyển sang căn hộ để ở. Chính vì vậy, dự án đã không được triển khai thành công và buộc trả lại tiền cho khách hàng. Tổng giám đốc Đặng Đình Tuấn người đang rất được kì vọng buộc phải từ chức và rời khỏi FutaLand.

Năm 2013, Futaland đã phải chuyển nhượng dự án New Pearl cho Vạn Thịnh Phát với giá trị chuyển nhượng khoảng 20 triệu USD sau khi mới thi công đến tầng 2.

Giữa năm 2018, Quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã yêu cầu Phương Trang và Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Hai Hạnh làm việc với khách hàng đã ký kết hợp đồng cọc mua bán bất động sản tại dự án Khu phức hợp đô thị thương mại dịch vụ cao tầng Phương Trang (Khu đô thị Sun Bay) để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán chuyển nhượng một số lô đất thuộc dự án này.

Ba năm trở lại đây, Futa Land chỉ mang về doanh thu vài chục triệu đồng mỗi năm, cùng đó là khoản lỗ lên đến vài tỷ đồng. Gần nhất, năm 2019, Futa Land chỉ đạt 31,8 triệu đồng doanh thu đồng thời lỗ ròng 5 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty này đạt 575,8 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chiếm chưa tới 20%, ở mức 91,5 tỷ đồng.

Futa_3

Kết quả này đang cho thấy sự loay hoay của Phương Trang với cuộc chơi bất động sản. Cần nhấn mạnh rằng, khối bất động sản mà nhóm Futa Corp sở hữu thực tế còn lớn hơn nhiều và phần tài sản thế chấp tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) vào năm 2016 là sự thể hiện rõ nhất. Futa Corp thời điểm ấy đã tố cáo nhà băng này 'giam' lỏng khối tài sản thế chấp 14.500 tỷ đồng của mình, trong đó bất động sản chiếm tới 98% tương ứng 14.210 tỷ đồng.

Mới đây, tháng 7/2020, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có công văn chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang đầu tư dự án khu phức hợp đô thị, thương mại cao tầng Phương Trang – khu C5b, khu E và khu F.

Dự án này thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu với tổng diện tích sử dụng đất là 266.418m2 và tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu trên 600 tỷ đồng (chiếm 15,01%); vốn huy động từ khách hàng thông qua hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là 618 tỷ đồng (chiếm 15,47%); vốn vay từ các tổ chức tín dụng là 2.780 tỷ đồng (chiếm 69,52%). Thời gian thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày ban hành văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Dự án này được giới đầu tư đánh giá đây là động thái "tái xuất" của Phương Trang với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự tới đâu sẽ cần thời gian trả lời, đặc biệt khi quá trình 10 năm trong cuộc chơi này trước đó không mấy thành công.

Gia Hân