3 chủ đề kinh tế đáng chú ý của ASEAN năm 2024
Năng lượng sạch, cạnh tranh Mỹ-Trung... là những chủ đề đáng chú ý của Đông Nam Á năm 2024. (Nguồn: Pinterest)

Thứ nhất là sự phát triển của năng lượng sạch, khi cuộc đua nhằm khử carbon ở nhiều nền kinh tế lớn nhất ASEAN đang “nóng” lên. Indonesia và Việt Nam đều công bố Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng trị giá hàng tỷ USD, trong khi Thái Lan đang nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất xe điện (EV) trong khu vực.

Thứ hai là sự ganh đua Mỹ-Trung. Ví dụ điển hình trong kinh tế ASEAN là việc Philippines “xoay trục” khỏi Trung Quốc bằng cách hủy một loạt dự án đường sắt. Điều này đương nhiên, không đồng nghĩa với việc có một mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Mỹ, khi các ngân hàng phát triển Nhật Bản và các tổ chức cho vay đa phương lại đang dẫn đầu trong việc tài trợ cho các dự án đường sắt lớn ở trong và xung quanh Manila.

 

Cũng có thể thấy xu hướng tương tự trong mua sắm quốc phòng, với các nhà thầu ở Hàn Quốc, Pháp và các nơi khác đang tìm cách mở rộng dấu ấn của họ tại Đông Nam Á bằng cách đưa ra các điều khoản hấp dẫn hơn so với các đối thủ Mỹ.

The Diplomat nhận định: "Như vậy, đây không hẳn là câu chuyện của riêng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà là việc các nước ASEAN đang ngày càng tìm cách tận dụng những cơ hội từ sự cạnh tranh địa chính trị này để mang lại kết quả phát triển tốt hơn cho chính họ".

Thứ ba là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế trong quá trình định hình các mô hình thương mại, đầu tư trong khu vực.

Indonesia đang dẫn đầu xu hướng này ở ASEAN với một loạt lệnh cấm xuất khẩu quặng niken, bauxite, titan và dầu cọ để buộc các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghiệp hóa hạ nguồn, trong khi Malaysia ngừng xuất khẩu thịt gà để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt trong nước.