Tạo việc làm - cuộc sống tốt cho người lao động

Đối với doanh nghiệp, cần có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân, quan tâm chỗ học, nhà trẻ cho con em của công nhân để họ yên tâm làm việc

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH NGUYỄN VĂN HỒI:

Tạo việc làm - cuộc sống tốt cho người lao động - Ảnh 1.

An sinh tốt để giữ người lao động

Bộ LĐ-TB-XH rất hoan nghênh sáng kiến của Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm này để các bên cùng tìm giải pháp phục hồi thị trường lao động sau đại dịch. Bộ LĐ-TB-XH cũng cảm ơn ý kiến của các DN, hiệp hội đã nêu ra, chúng tôi xin tiếp thu để hoàn thiện, từ đó đưa ra những giải pháp, chính sách trong thời gian tới. Trong nhiều tháng qua, người dân, DN ở 19 tỉnh, thành phía Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 gặp phải. Trong số này, những người bị ảnh hưởng về việc làm chiếm 2/3, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do DN đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ". Thị trường lao động rất ảm đạm.

Từ ngày 22-8 đến nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, DN như Nghị quyết 42, Nghị quyết 68 và Quyết định 23... Tổng các gói mà Chính phủ đã ban hành để hỗ trợ người dân và DN là khoảng 10,2 tỉ USD, tương đương 2% GDP. Đây là những chính sách rất kịp thời. TP HCM cũng đã xây dựng các gói hỗ trợ người dân, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, chúng tôi rất đồng tình. Theo đó, việc cần làm sắp tới là phải tiếp tục tiêm vắc-xin để sản xuất an toàn, thu hút lao động; cần xây dựng năng lực y tế mạnh nhằm điều trị kịp thời các ca F0. Bên cạnh đó, chính sách an sinh là điều vô cùng quan trọng để giữ chân NLĐ. Đối với DN, cần có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho CN, quan tâm chỗ học, nhà trẻ cho con em của NLĐ để họ yên tâm làm việc; đồng thời tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

Tiến sĩ TÔ ĐÌNH TUÂN, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

Tạo việc làm - cuộc sống tốt cho người lao động - Ảnh 2.

Tái cấu trúc nguồn lao động

Nhiều tháng qua, tất cả mọi người phải thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", các hoạt động sản xuất giảm tối đa nên vấn đề thúc đẩy nguồn nhân lực sau đại dịch là một trong những thách thức rất lớn đối với các DN, kể cả các DN có chính sách chăm sóc tốt NLĐ. Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, trước hết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các địa phương và TP HCM. Các DN cũng phải kịp thời động viên NLĐ ở lại và trở lại. Nếu DN làm được điều này sẽ là một thành công lớn. Ngoài ra cần nhanh chóng xây dựng nguồn dữ liệu NLĐ tại TP HCM và tăng cường đào tạo, tái cấu trúc nguồn lao động. Dù khó khăn nhưng cũng là cơ hội để đào tạo lại, nâng đội ngũ lao động lên tầm cấp cao, có hàm lượng trí tuệ cao hơn, qua đó phục vụ chuyển đổi số thời gian tới.

Bên cạnh đó, phải làm sao bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có vắc-xin cho NLĐ ở các tỉnh miền Trung cũng như lân cận TP HCM. Qua đợt dịch này cho thấy bảo đảm an toàn tính mạng của NLĐ phải đưa lên hàng đầu. Ngoài ra, cần có cơ chế liên thông giữa các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam để NLĐ trở lại một cách thuận lợi, dễ dàng. Song song đó là tăng cường kết nối cung cầu trên thị trường lao động.

Việc Báo Người Lao Động cùng các đối tác ra mắt cổng kết nối cung - cầu lao động trên Báo Người Lao Động điện tử cho thấy việc xác định thị trường lao động rất cần trong thời gian tới, việc kết nối phải được tăng cường mạnh mẽ hơn. Báo sẽ góp một phần để tăng cường kết nối cung cầu tốt hơn, hiệu quả hơn.

Tiến sĩ VŨ MINH TIẾN - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn:

Tạo việc làm - cuộc sống tốt cho người lao động - Ảnh 3.

Tạo sự an tâm cho người lao động

Để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3-9 tháng, còn để khôi phục nguồn nhân lực, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, những vị trí lao động kỹ thuật, phụ trách chuyên môn sẽ phải gặp khó khăn và thời gian gấp 3 lần như thế. Đây là vấn đề thực sự nan giải cần sự nỗ lực chung của tất cả các bên. Do đó, cùng với thực hiện tiêm vắc-xin đầy đủ cho NLĐ và thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch của cơ quan y tế, DN cần chủ động thực hiện và phối hợp với tổ chức Công đoàn tuyên truyền, vận động NLĐ tích cực làm việc, quay lại DN; tạo sự an tâm, đồng thuận của NLĐ và gia đình họ. DN cũng có thể thông qua mạng xã hội, điện thoại hoặc gửi thư kêu gọi cho từng NLĐ và gia đình họ, đồng thời phối hợp để tổ chức đón họ từ quê ra như đón người thân trở về với gia đình. Về giải pháp lâu dài, cần hướng đến mục tiêu chính là: Việc làm - cuộc sống tốt. Ngoài thu nhập, cần có các chính sách khuyến khích DN đầu tư xây dựng ký túc xá cho NLĐ cũng như tháo gỡ và thực hiện chủ trương xây dựng các thiết chế Công đoàn, đặc biệt tại các KCN và tại các địa bàn có đông CN.

Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Tạo việc làm - cuộc sống tốt cho người lao động - Ảnh 4.

Cần chính sách hỗ trợ ngắn hạn cho công nhân

Để bảo đảm nguồn nhân lực, TP cần có kế hoạch phối hợp với các địa phương đón CN trở lại làm việc. Trong đó, phối hợp với các tỉnh giáp ranh có giải pháp cho NLĐ di chuyển liên tỉnh nếu đủ điều kiện (đủ 2 mũi vắc-xin hoặc 1 mũi sau 14 ngày và người khỏi Covid-19 trong thời gian 180 ngày) đối với người làm việc ở TP HCM nhưng lưu trú, sinh sống trên địa bàn tỉnh và ngược lại. Ngoài ra, TP và DN cần có những chính sách ngắn hạn hỗ trợ những CN ở trọ khi trở lại làm việc, như hỗ trợ tiền thuê trọ, nhu yếu phẩm trong thời gian chờ lãnh lương tháng đầu tiên khi đi làm lại. Đồng thời cũng có chính sách hỗ trợ học tập cho con NLĐ ở trọ như miễn, giảm học phí, tặng học bổng, dụng cụ học tập... Song song đó, các DN có NLĐ thuộc các đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021/NQ-CP đẩy nhanh tiến độ thủ tục để NLĐ sớm được hưởng chính sách này, góp phần động viên NLĐ quay trở lại TP làm việc.

Ông LÊ HUỲNH HOA, Giám đốc nhân sự Ngân hàng Nam Á:

Tạo việc làm - cuộc sống tốt cho người lao động - Ảnh 5.

Xây dựng các gói phúc lợi phù hợp

Để giữ được NLĐ và thu hút NLĐ đến với mình thì trước hết DN phải có hệ thống chính sách phúc lợi tốt. Đó là phải bảo đảm thu nhập cho NLĐ và các mối quan tâm của NLĐ như vấn đề nơi ở cho cán bộ công nhân viên, nhà trẻ cho con em của họ… Bên cạnh đó, để thích nghi với những thay đổi, DN cần ứng dụng công nghệ và nâng cao chức năng quản trị nhân lực, đồng thời nâng cao sự hợp tác và gắn kết cho cán bộ công nhân viên, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho nhân viên gặp khó khăn khi làm việc từ xa. Nâng cao hiệu quả, phương pháp đánh giá kết quả công việc, áp dụng các gói phúc lợi phù hợp để vừa nâng cao đời sống vừa nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải cập nhật kiến thức, xu hướng thay đổi của thị trường lao động để xây dựng lộ trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nội bộ để đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Ra mắt Cổng kết nối cung - cầu lao động

Thị trường lao động tại TP HCM và các tỉnh phía Nam luôn có nhu cầu rất lớn về nguồn lao động đã qua đào tạo, đặc biệt là lao động trình độ cao. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh, thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vẫn còn một lực lượng lao động dồi dào chưa hoặc không tìm được việc làm. Từ thực tiễn đó, Báo Người Lao Động quyết định làm cầu nối để kết nối cung cầu lao động, với việc ra mắt Cổng kết nối cung - cầu lao động trên Báo Người Lao Động điện tử, kết hợp cùng 3 đối tác: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, Talentnet Corporation, Navigos Group. Đây là địa chỉ để người tìm việc, việc tìm người gặp nhau; kết nối đào tạo giữa các trường ĐH với DN, DN với các tỉnh, thành và giữa các tỉnh, thành với nhau. Hoạt động cụ thể của cổng kết nối cung cầu lao động sẽ được các bên phối hợp triển khai trong thời gian sớm nhất.

Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc Nhân sự Navigos Group, đánh giá cao ý tưởng Cổng kết nối cung - cầu lao động trên Báo Người Lao Động điện tử. Với kinh nghiệm của một tập đoàn dịch vụ tuyển dụng nhân sự hoạt động lâu năm tại Việt Nam, Navigos Group đã am hiểu thị trường lao động, việc làm của Việt Nam và luôn mong muốn đóng góp cũng như chia sẻ khó khăn với DN và người lao động. "Với sự hợp tác cùng Báo Người Lao Động và các đơn vị khác lần này, Navigos Group kỳ vọng sẽ giúp được nhiều DN nhanh chóng tìm kiếm được những nhân sự để kịp thời ổn định sản xuất, mặt khác giúp người lao động có một kênh quan trọng để tìm được việc làm, ổn định cuộc sống sau đại dịch" - bà Linh bày tỏ.

THANH NGA