Dấu ấn

Nhìn lại 05 năm qua, đã có nhiều dấu ấn tích cực trong tái cơ cấu nền kinh tế  từ thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế, bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và thúc đẩy phát triển các loại thị trường. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thúc đẩy; chuyển đổi số, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh đã phát huy tác dụng, tạo được niềm tin của nhà đầu tư... Nổi bật như:

Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỉ trọng đầu tư của Nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉ trọng này giảm dần từ 40,4% năm 2013 xuống 37,5% năm 2016, còn 33,3% năm 2018, đạt 31,02% năm 2019, và 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 33,5% để đảm bảo sự can thiệp hợp lý của Nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng bình quân giai đoạn 2016-2020 vẫn chiếm khoảng 33,8%, đạt mục tiêu đề ra. 

Cổ phần hóa, thoái vốn đã được đẩy mạnh so với giai đoạn trước và được thực hiện một cách công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, từng bước tách chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước được bảo toàn và phát triển, tỉ lệ DNNN có lãi tăng, một số DNNN yếu kém đã trở lại hoạt động. Trong giai đoạn 2016 đến tháng 11/2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ  phần hóa với tổng giá trị 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng; thoái 25.749 tỷ đồng, thu  về 173.103 tỷ đồng; tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 217.300 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ).

Điều đáng mừng, các mục tiêu cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ bản hoàn thành. Các ngân hàng cơ bản đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn theo quy định áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD đã được xử lý cơ bản, tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát. Hệ thống TCTD đã được củng cố, nâng cao hơn năng lực quản trị; xử lý nợ xấu tại các TCTD đã được đẩy nhanh thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn lãi suất cho vay trung bình giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất. Theo đó, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm đồng bộ 03 lần lãi suất để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19. So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành mạnh nhất và ở mức trung bình so với mặt bằng của các nước có trình độ phát triển tương đồng.

Thách thức

Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Chẳng hạn như, ngành dệt may hiện chủ yếu tham gia vào các khâu gia công (CMT) chiếm đến 60% và chỉ khoảng 5% xuất khẩu theo phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất). Ngành điện tử hiện nay là ngành tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, ngành điện tử Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp FDI) hiện đang đứng ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị là công đoạn lắp ráp và gia công sản phẩm.

Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu.  Các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử Việt Nam nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu đồng thời phụ thuộc không nhỏ vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Khu vực dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa được cải thiện đáng kể. Tiến độ, chất lượng xử lý nợ xấu, các TCTD yếu kém chưa theo kịp yêu cầu. Khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm.

Mặt khác, còn có những tồn tại, bất cập trong không ít quy định hiện hành đang gây khó khăn việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thị trường các yếu tố sản xuất chậm phát triển, chưa là cơ chế chính trong phân bổ nguồn lực để đạt được hiệu quả cao nhất. Cải cách thể chế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn.

Cơ hội

Để đạt được các mục tiêu dự kiến đặt ra và khát vọng phát triển đất nước trong thập kỷ tới, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá. Theo đó, muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8%. Mặt khác, trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng…Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam.

Nhằm tiếp tục phát triển mạnh mẽ kinh tế Việt Nam, hiện nay Chính phủ xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công đi đôi với phát triển đồng bộ các yếu tố, các loại thị trường. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, tận dụng khai thác cơ hội của công nghệ số. Xác định rõ ràng hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng. Khắc phục sự thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần, các địa bàn kinh tế; tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và chủ động dần nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị. Nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tăng cường nội lực, khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài...

Với việc Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tăng trưởng dương, lọt TOP 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2020, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương “năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua” vừa mới diễn ra. Đồng thời, Việt Nam được nhiều tổ chức tài chính quốc tế cho rằng, thời gian qua đã tạo dựng được một nền tảng quan trọng để bước vào năm 2021 với cơ hội, vận hội mới tốt đẹp hơn./.

Lê Việt