tai-chinh-tuan-qua-loat-doanh-nghiep-dhcd-he-lo-ket-qua-kinh-doanh-quy-i-1681636922.jpg
Tài chính tuần qua: Loạt doanh nghiệp ĐHCĐ, hé lộ kết quả kinh doanh quý I.

ĐHCĐ Tracodi: Dự kiến tăng vốn lên 5.600 tỷ đồng, tái đầu tư vào Vinataxi

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 diễn ra sáng 12/4, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, HoSE: TCD) đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất là 3.317 tỷ đồng, tăng gần 13% so với kết quả năm ngoái, chủ yếu đến từ mảng xây dựng hạ tầng, dự án bất động sản (2.618 tỷ). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ vọng đạt hơn 267 tỷ đồng, giảm gần 20%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, lãnh đạo Tracodi cho biết công ty xác định hoàn thiện các công trình dang dở của năm 2022 chưa ghi nhận hết doanh thu như dự án Malibu Hội An với giá trị còn lại là 716,39 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng ký kết là 2.811 tỷ đồng.

Bên cạnh đó công ty sẽ triển khai theo tiến độ và nghiệm thu giai đoạn cuối các dự án King Crown Infinity, Hoian D'or, các dự án năng lượng mặt trời áp mái, dự án năng lượng mặt trời Krong Pa 2, dự án tuyến đường quốc lộ 3 cũ đến tuyến đường Võ Nguyên Giáp...

Tracodi sẽ tiếp tục thực hiện gói thầu đường lăn của dự án sân bay Phan Thiết, dự kiến biên lợi nhuận trên dưới 5,5%, dự án xây dựng khu dân cư và hồ điều hòa giáp khu dân cư Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, dự án nối QL13 - Võ Nguyên Giáp - Đông Anh.

Ngoài ra, năm nay, Tracodi sẽ đề xuất với tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam tỉnh Sóc Trăng, tuyến đường trục động lực Đức Hòa (Long An) theo hình thức đối tác công tư PPP,...

Đối với mảng taxi, Tracodi dự kiến tái đầu tư vào Vinataxi nhằm nâng tỷ lệ lên 51%.

FPT Retail: Mục tiêu lợi nhuận đi lùi tới 51%

Ngày 14/4, ĐHĐCĐ của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) đã thống nhất thông qua kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận trước thuế là 240 tỷ đồng, giảm 51% so với kết quả năm 2022. Kế hoạch kinh doanh được FPT Retail đặt ra trong bối cảnh vô vàn khó khăn, bất ổn của thị trường hiện tại và dựa trên kỳ vọng nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi dần trong 2 quý cuối năm.

Năm 2023, hoạt động kinh doanh của FRT được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố bất lợi trong quý IV/2022 như: sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh, chi phí tài chính liên tục tăng cao, lạm phát cao, thị trường mua trả góp tiếp tục suy giảm,… Tình hình này sẽ tiếp tục đặt ra thách thức lớn cho FRT, đặc biệt là chuỗi FPT Shop khi sức mua giảm mạnh và khó dự báo được thời gian hồi phục. Trong khi đó, dược phẩm là nhóm mặt hàng thiết yếu nhưng được dự báo vẫn bị ảnh hưởng do khách hàng có xu hướng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn. Tuy nhiên, với việc thành công trong việc vận hành chuỗi FPT Long Châu suốt những năm qua, công ty vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng 2 con số về doanh thu cho mảng này.

FPT Retail cũng cho biết sẽ luôn đảm bảo tính linh hoạt và đáp ứng nhanh chóng với sự biến động mạnh của thị trường. Đặc biệt với thị trường vốn, FRT sẽ tập trung tối ưu hoá dòng tiền, đảm bảo thanh khoản cho toàn công ty cũng như đáp ứng nguồn vốn cho việc mở rộng chuỗi FPT Long Châu.

Bên cạnh đó, FRT tiếp tục đầu tư cho tầm nhìn dài hạn bao gồm: Triển khai xây dựng kho tổng thứ 2 tại Long An sau khi hoàn tất xây dựng kho tổng thứ nhất tại Mê Linh (Hà Nội) vào quý II/2022, tiếp tục đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số tại các chuỗi.

Lộc Trời: Tăng vốn thêm 1.000 tỷ, tham vọng doanh thu 1 tỷ USD vào 2024

Cùng ngày này, ĐHĐCĐ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đã thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao cho các nội dung về ngân sách và lợi nhuận 2023, mục tiêu lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng.

Đại hội cũng đã chốt phương án chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, với số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 20.148.335 cổ phiếu, nâng vốn điều lệ của tập đoàn sau khi hoàn thành chi trả cổ tức bằng cổ phiếu thêm hơn 1.007 tỷ đồng. Bước sang năm 2023, mức chia cổ tức sẽ là 30%.

Về định hướng hoạt động, năm 2023, Lộc Trời và các đơn vị thành viên tiếp tục thúc đẩy các dự án, chương trình và sáng kiến hướng đến phát triển bền vững, nhằm góp phần thiết thực cùng ngành nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa carbon thấp, góp phần giữ cho môi trường nông thôn xanh sạch, đáng sống; tối ưu lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư trong dài hạn; chia sẻ lợi ích với đối tác trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời và bà con nông dân; đảm bảo cuộc sống ổn định cho người lao động.

Tiếp tục báo cáo với cổ đông, ban lãnh đạo Lộc Trời nhấn mạnh định hướng đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2024, đạt 1 triệu ha đất canh tác theo mô hình sản xuất Lộc Trời 123 (trong đó sẽ giảm 1 triệu lít hoá chất rải xuống đồng ruộng).

Sonadezi Giang Điền (SZG): Lãi quý I/2023 gấp 2,7 lần quý liền trước

Công ty Cổ phần Sonadezi Giang Điền (UPCoM: SZG) công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 với doanh thu giảm gần 14% so với cùng kỳ về mức 84,9 tỷ đồng. Tuy vậy, giá vốn bán hàng giảm mạnh giúp biên lợi nhuận gộp của công ty tăng từ 47% lên 55,6% - tương ứng lãi gộp ở mức 48,1 tỷ.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty giảm mạnh về dưới 1 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản thuế phí, SZG báo lãi ròng tăng 32,4% so với năm ngoái lên mức 33,5 tỷ; mức tăng này cũng gấp 2,7 lần quý liền trước.

Công ty cho biết lợi nhuận tăng so với cùng kỳ do tổng chi phí giảm hơn 36% nhờ việc trả nợ trước hạn các khoản vay ngắn hàng dẫn đến chi phí tài chính giảm hơn 98% so với cùng kỳ đồng thời chi phí bán hàng quý này cũng giảm 82,5%.

Doanh nghiệp thép báo lỗ quý đầu năm

Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức (Vnsteel, UPCoM: TDS) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu ghi nhận đạt 349 tỷ đồng, giảm 53,8% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức thấp thứ 2 trong 5 quý gần nhất của doanh nghiệp này.

Trong kỳ, tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng chậm hơn cùng kỳ giúp biên lợi nhuận của công ty cải thiện lên mức 4,9%, tương ứng lãi gộp đạt 17,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhờ việc tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nên sau trừ các khoản thuế phí, Thép Thủ Đức báo lãi sau thuế ở mức 4,4 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Thép Thủ Đức, việc giá mặt hàng thép cũng như nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, kèm theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường ở mức thấp trong quý đầu năm 2023 đã khiến doanh thu và lợi nhuận cùng lao dốc.

Được biết, năm nay, Thép Thủ Đức đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức 15 tỷ đồng. Với việc kết quý I thu về 5,5 tỷ đồng, công ty đã thực hiện được 37% kế hoạch lãi trước thuế cả năm.

Một doanh nghiệp khác trong ngành thép là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) đã công bố BCTC hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần giảm 34% về mức 2.445 tỷ đồng.

Quý này, Tisco lỗ sau thuế hơn 19,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 29 tỷ đồng, đánh dấu 3 quý lỗ liên tiếp của doanh nghiệp.

Theo Tisco, trong quý I/2023, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép cán giảm 61.619 tấn; tỷ lệ giảm 28% so với cùng kỳ; giá bán thép bình quân giảm mạnh tỷ lệ giảm 8,9% so với cùng kỳ.