SVB, ngân hàng lớn thứ 16 của nước Mỹ, đã bất ngờ sụp đổ chỉ sau chưa đầy 48 tiếng. (Nguồn: Getty Images) |
Cụ thể, FDIC, cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ đóng vai trò giám sát và bảo chứng lượng tiền ký thác ở các ngân hàng Mỹ, bao gồm SVB, đã đề nghị nhân viên của ngân hàng này đi làm trong 45 ngày tới với mức lương cao gấp rưỡi.
Theo nội dung email gửi đến nhân viên của SVB, FDIC sẽ lên danh sách nhân viên và gửi cho họ thông tin về các chế độ đãi ngộ trong tuần này. Chế độ chăm sóc sức khỏe sẽ do “công ty mẹ” cũ của SVB là tập đoàn dịch vụ tài chính SVB Financial Group cung cấp. Tính đến cuối năm ngoái, SVB có 8.528 nhân viên.
Hiện các nhân viên được yêu cầu tiếp tục làm việc từ xa, ngoại trừ những người lao động thiết yếu và nhân viên chi nhánh. Thống đốc California Gavin Newsom cũng khẳng định: “Mọi người đang làm việc với FDIC để ổn định tình hình nhanh nhất có thể”. FDIC cho biết, văn phòng chính của SVB ở Santa Clara, California và 17 chi nhánh ở California và Massachusetts sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13/3.
Trang Semafor (Mỹ) dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết một số doanh nghiệp góp vốn tại SVB đã nhận được đề nghị từ các quỹ phòng hộ để mua khoản tiền bị “mắc kẹt” của họ với giá chỉ 60 xu Mỹ trên 1 USD.
Về phần mình, SVB Securities, công ty môi giới tài chính thuộc sở hữu của SVB Financial Group, thông báo hoạt động kinh doanh của họ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự sụp đổ của SVB.
Trước đó, SVB đã tuyên bố phá sản sau chưa đầy 48 tiếng, khi người gửi tiền vội vã rút tiền do lo ngại về tình hình tài chính của ngân hàng này. Vụ phá sản ngân hàng lớn nhất từ năm 2008 này đã khiến giới tài chính Mỹ choáng váng, xóa sạch hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường của các ngân hàng của nước này.
Cuối năm ngoái, SVB được xếp hạng là ngân hàng lớn thứ 16 tại xứ cờ hoa với 209 tỷ USD tài sản và 175,4 tỷ USD tiền gửi.