Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi về phát triển và quản lý chợ. Theo đó, bộ Công Thương nhận định các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại... đang tăng trưởng nhanh, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, có khoảng 25% hàng hoá trên thị trường đang được lưu thông qua kênh này.

Tốc độ tăng trưởng của chợ truyền thống chững lại, nhưng vẫn đủ sức duy trì cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lượng hàng hoá qua chợ là 35-40%, và vẫn giữ được vị trí, vai trò quan trọng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Thị phần hàng hóa lưu thông qua chợ tại địa bàn nông thôn chiếm khoảng từ 50-70%, cao hơn mức lưu thông qua chợ bình quân của cả nước.

Theo thống kê, đến cuối năm 2019, cả nước có 8.500 chợ, trong đó có 234 chợ hạng I (chiếm 2,75%); 907 chợ hạng II (chiếm 10,67%); 7.359 chợ hạng III (chiếm khoảng 86,49%). Phân theo địa bàn có 6.323 chợ nông thôn (chiếm 74,4%) và 2.177 chợ thành thị (chiếm 25,6%). Tuy nhiên, số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom và phát luồng hàng hoá chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chưa đầy 4%.

Đầu tư - Sức ép từ mô hình bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống đang dần đuối sức

Một gian hàng bên trong khu chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội).

Bộ Công Thương cũng đánh giá cơ sở hạ tầng của các chợ yếu kém và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Các chợ đang hoạt động theo hình thức ban, tổ quản lý đều được giao đất không thu tiền sử dụng đất. Khi chuyển sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chợ thì phải thuê đất trả tiền hàng năm, tính khấu hao. Lĩnh vực kinh doanh chợ ngày càng suy giảm, hiệu quả thấp nên cách tính này đẩy giá thuê quầy tăng cao, không đảm bảo được hoạt động của chợ.

Vốn xây dựng, cải tạo chợ chủ yếu từ nguồn xã hội hoá, huy động của doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, thu nhập và sức mua tại nông thôn, miền núi, biên giới... không cao nên phương án thu hút đầu tư này chưa mang lại kết quả như mong muốn. Trong khi tại thành thị, các chợ có khả năng thu hút nguồn vốn từ xã hội hoá thì gặp những hạn chế về chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư hoặc không nhận được sự đồng thuận của tiểu thương, khiếu kiện kéo dài.

Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ nhằm mục đích khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phát triển và quản lý chợ. Đồng thời, tận dụng mọi nguồn lực tạo điều kiện phát triển mạng lưới chợ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất và tiêu dùng.

Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP về Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển chợ (từ ngân sách nhà nước); chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng chợ… cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.