Người dân kêu cứu!
Mới đây, gần 30 hộ dân tại thôn Phú Bình (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã có đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu giải quyết dứt điểm đền bù khi triển khai Dự án nhà máy Điện gió Ia Le tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các hộ dân có ý kiến về nội dung tương tự.
Theo nội dung đơn khiếu nại, các trụ điện gió N13, N14, N15, N17, N19, N23, N31 đã thi công xong. Trong khi đó, tại Điều 1 Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 7/8/2020 của UBND tỉnh Gia Lai về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đã nêu rõ: Thực hiện phương án đền bù, tái định cư trước khi thi công. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư dự án đã thi công xong nhưng vẫn không đền bù thiệt hại cho người dân.
Nhiều nhà dân nằm trong hành lang an toàn trụ điện gió.
Cũng theo nội dung đơn khiếu nại tập thể, các hộ dân đã định cư, làm nhà sống ổn định tại đây hàng chục năm nay. Tính từ thời điểm thi công hoàn thành các trụ điện gió, người dân đã sống dưới cánh quạt hơn 6 tháng và chịu nhiều ảnh hưởng như tiếng ồn quá lớn gây mất tinh thần, não bộ tê liệt và bị nhiễm xạ điện. Người dân đã nhiều lần có đơn khiếu nại đề nghị bồi thường thiệt hại nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Do quá bức xúc, các hộ dân đã làm đơn gửi ra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Sau đó, Chính phủ và Bộ Công thương đã trả lời cho người dân là thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này là của cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa giải quyết, UBND huyện Chư Pưh có trả lời người dân chờ thời gian giải quyết nhưng không biết thời gian là đến khi nào?
Bà Phan Thị Minh Phượng (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho biết, tôi có khoảng 1,3ha nhà và đất sản xuất cách trụ điện gió hơn 100m. Trong khi đó, theo quy định thì trụ điện gió phải cách khu dân cư tối thiểu 300m. Vừa qua, có thông tin về việc một số thiết bị của các trụ điện gió bị rơi ở một số dự án khiến chúng tôi rất hoang mang, lo sợ tính mạng bị đe dọa bất cứ lúc nào.
Tương tự, bà Phạm Thị Hòa (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho hay, gia đình nhà tôi có gần 3ha nhà và đất bị ảnh hưởng khi xây dựng trụ điện gió. Cụ thể, trụ điện gió N13 cách đất sản xuất 10,6m, cách nhà ở của gia đình 93m. Trong khi đó, trụ điện gió cao 117m, bán kính cánh quạt 75m đã chiếm dụng vào đất của gia đình tôi hàng chục mét.
Không bồi thường vì chờ hướng dẫn…
Để giải quyết các khiếu nại của người dân, UBND huyện Chư Pưh đã tổ chức đối thoại với các hộ dân về công tác bồi thường, hỗ trợ liên quan đến các dự án điện gió. Tại đây, nhà đầu tư đã cam kết chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành trong trường hợp phát sinh các thiệt hại trong quá trình sản xuất nông nghiệp, sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân có đất và nhà nằm dưới cánh quạt gió. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ nếu có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thông tin: Hiện nay, các dự án điện gió đang vướng một cơ chế chung về mức bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất và nhà trong hành lang an toàn cột tháp gió 300m. Để giải quyết vấn đề này phải chờ ý kiến của Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan để quy định mức hỗ trợ dưới hành lang các trụ điện gió.
Cũng theo ông Tứ, trước đó, Bộ Công thương chỉ quy định về hành lang an toàn nhưng lại không quy định về mức hỗ trợ, bồi thường. Do đó, địa phương có yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thì cũng không biết mức bồi thường như thế nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 4/2022, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã có báo cáo nêu rõ: Trên địa bàn tỉnh có 186 hộ dân có đơn kiến nghị, phản ánh liên quan đến dự án điện gió (huyện Chư Pưh: 136 hộ; huyện Chư Prông: 40 hộ; thị xã An Khê: 5 hộ; TP Pleiku: 5 hộ). Nội dung đơn kiến nghị, phản ánh là người dân cho rằng cánh quạt điện gió của dự án điện gió có ảnh hưởng đến đất, tài sản của gia đình. Người dân yêu cầu bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của dự án điện gió.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp, rà soát, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đề nghị các địa phương phối hợp với chủ đầu tư tuyên truyền, giải thích cho các hộ dân biết quy định của pháp luật trong việc thực hiện các dự án điện gió, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng, các chủ đầu tư dự án điện gió phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục rà soát các hộ dân có đất, tài sản nằm trong phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió để làm cơ sở cho việc bồi thường, hỗ trợ sau khi cơ quan cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn hoặc ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai thông tin: Sở có nhận được kiến nghị của người dân về các cánh quạt gió quay làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi. Vấn đề này chưa có nghiên cứu, đánh giá khoa học nên rất khó xác định. Hiện đơn vị đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan đề xuất UBND tỉnh có văn bản đề nghị cơ quan Trung ương có hướng dẫn cụ thể việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do các dự án điện gió trên địa bàn.
Giai đoạn 2016 - 2021, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai đầu tư xây dựng 17 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 50.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có 629 MW điện gió dù đã được thi công xây dựng hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại, chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia do chưa có giá bán điện. Điều này đã làm giảm hiệu quả kinh tế của các dự án, gây lãng phí đầu tư xã hội với tổng vốn đầu tư khoảng 25.500 tỷ đồng cũng như sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia trong 6 tháng với khoảng 4,5 tỷ kWh (nếu tính theo giá bán điện tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thì doanh thu bán điện khoảng 8.676 tỷ đồng). |
Theo Chí Hào (Công an nhân dân)