Trong phiên 2/10, sau khi xuất hiện thông tin Tổng thống Donald Trump nhiễm Covid-19, VN-Index biến động, có lúc mất 14 điểm trước khi thu hẹp đà giảm còn hơn 4 điểm vào cuối phiên. Thanh khoản cổ phiếu đột biến hơn 527 triệu đơn vị, tương ứng gần 8.600 tỷ đồng, cao nhất trong 4 tháng qua. 

Tương tự với HNX-Index, khối lượng và giá trị giao dịch tăng cao lần lượt ghi nhận 87,9 triệu cổ phiếu “trao tay”, tương ứng giá trị 1.278 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trên sàn UPCoM ở mức hơn 55 triệu cổ phiếu, cao nhất từ 2016, với giá trị hơn 593 tỷ đồng. 

Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm đóng góp vào thanh khoản đột biến của thị trường, nổi bật là các mã CTG, MBB, STB trên HoSE; ACB trên HNX; và LPB trên UPCoM.

Trên HNX, cổ phiếu ACB đánh dấu phiên thanh khoản lịch sử 23,5 triệu cổ phiếu, chiếm gần 27% sàn. Giá trị giao dịch đạt hơn 540 tỷ đồng, chiếm 42%.

ACB đang hoàn tất bước đầu trong lộ trình chuyển sàn. HNX thông báo chấp thuận niêm yết bổ sung hơn 498,8 triệu cổ phiếu ACB, được phát hành theo hình thức trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 30%. Sau khi hoàn thành, ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên 21.616 tỷ đồng.

Tại phiên họp cổ đông thường niên 2020, Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết lộ trình chuyển sàn có 2 bước. Bước đầu tiên là chia cổ tức, bước thứ hai là chuyển sàn. ACB dự kiến sẽ chia cổ tức trong tháng 9 và sẽ chuyển sàn trong tháng 11, 12. ACB luôn là cổ phiếu kín “room” ngoại được nhà đầu tư nước ngoài săn đón. Theo quỹ VEIL, tỷ lệ premium khi giao dịch thỏa thuận cổ phiếu ACB ngoài sàn giữa các nhà đầu tư ngoại cao hơn 10% so với thị giá trên sàn.

HNX hiện có 2 cổ phiếu ngân hàng khác đang giao dịch bên cạnh ACB là SHB, NVB. Nhóm này chiếm 37% khối lượng giao dịch và 52% giá trị giao dịch trên HNX trong phiên 2/10.

Sôi động cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu ACB từ đầu năm. Nguồn: VNDirect.

 


Tại UPCoM, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank ghi nhận gần 15 triệu cổ phiếu được giao dịch, chiếm hơn 27% thanh khoản toàn sàn trong phiên 2/10. Giá trị tương ứng gầ 175 tỷ đồng, chiếm gần 30% sàn. Từ giữa tháng 9, cổ phiếu này liên tục so nhiều phiên giao dịch thanh khoản cao trên 15 triệu đơn vị. Theo thống kê của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 9, khối lượng giao dịch cổ phiếu LPB chiếm 25% toàn sàn UPCoM, dẫn đầu các mã trên sàn này.

Cổ phiếu LPB được chú ý sau khi xuất hiện thông tin chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE và chào bán cổ phiếu cho đối tác chiến lược. LienVietPostBank đã nộp hồ sơ niêm yết vào cuối tháng 7 và cam kết sẽ hoàn thành lên sàn HoSE trong năm 2020. Mới đây, ngân hàng cho hay HoSE đã chấp thuận bộ nguyên tắc hồ sơ niêm yết, tiến độ chuyển sàn cổ phiếu LPB sẽ sớm hơn so với các ngân hàng khác 1-2 tháng. Cùng LienVietPostBank, ACB, VIB, SHB cũng đang triển khai lộ trình niêm yết trên HoSE trong năm 2020.

LienVietPostBank đã nộp hồ sơ niêm yết vào cuối tháng 7 và cam kết sẽ hoàn thành lên sàn HoSE trong năm 2020. Ngân hàng này cũng có kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ không quá 4,99% vốn.

Bên cạnh LPB, cổ phiếu VIB cũng ghi nhận thanh khoản hơn 3,4 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 6% khối lượng giao dịch toàn sàn. Giá trị đạt gần 100 tỷ đông, tương ứng 17% cơ cấu. Hiện nay, UPCom có 6 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch. Tính riêng phiên 2/10, khối lượng và giá trị giao dịch nhóm này lần lượt chiếm 37% và 50% toàn sàn.

Sôi động cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 2.
 

Diễn biến cổ phiếu LPB từ đầu năm. Nguồn: VNDirect.

 

Trong khi đó, trên HoSE, một số mã cũng ghi nhận thanh khoản cao như STB của Sacombank với hơn 23,2 triệu cổ phiếu giao dịch trong phiên 2/10, chiếm hơn 4% cơ cấu, tương ứng giá trị hơn 360 tỷ đồng. CTG của VietinBank (HoSE: CTG) có khối lượng giao dịch hơn 13,3 triệu đơn vị, với giá trị gần 361 tỷ đồng. MBB của MB (HoSE: MBB) cũng ghi nhận thanh khoản cao với hơn 13 triệu cổ phiếu giao dịch, tương đương giá trị hơn 261 tỷ đồng. Tính chung, toàn nhóm ngân hàng trên HoSE đóng góp 13% thanh khoản sàn và 17,5% giá trị.

Đặc điểm chung của các mã thanh khoản cao là đều có các thông tin nhận được chú ý xoay quanh hoạt động kinh doanh như xử lý nợ xấu, trả cổ tức, tăng vốn hoặc chuyển sàn. Đơn cử, Sacombank vừa qua có tin đồn về việc Tập đoàn Trường Hải (THACO) mua cổ phiếu STB từ Kienlongbank. Dù các bên đã lên tiếng phủ nhận, cổ phiếu vẫn nhận được quan tâm nhờ kỳ vọng xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay.

Sôi động cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 3.

Diễn biến cổ phiếu CTG từ đầu năm. Nguồn: VNDirect.

 

Với MB, ngân hàng này sẽ chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu, trong khi VietinBank đang trình xem xét dùng toàn bộ lợi nhuận 2017-2018 chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn.

Thời gian qua, thị giá cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục và lấy lại giá trị trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam xuất hiện. Phần lớn các mã đã tăng 50-90% từ mức đáy cuối tháng 3. Tính riêng từ đầu tháng 8, sau khi dịch tái bùng phát tại Việt Nam, thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng tăng 15-40% như như SHB tăng 43%, ACB 30%, HDB 26%, TCB 20%...

Dù nhận định tác động của đại dịch sẽ khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm trong năm nay, công ty chứng khoán cho rằng các nhà băng sẽ bứt phá trong 2021. Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Reserch kỳ vọng sau khi hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận ngân hàng quốc doanh ước tính sẽ tăng 23% trong khi nhóm ngân hàng TMCP tăng 11,2%.

Theo Lê Hải

NDH

Link nguồn: https://cafef.vn/soi-dong-co-phieu-ngan-hang-20201004091333881.chn