Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho thấy trẻ mắc bệnh hô hấp phổ biến thường xảy ra vào những tháng cuối năm.

Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số lượng trẻ em nhập viện do các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm đều có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa… Các bệnh hô hấp thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus và vi khuẩn phát triển.

Năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận số lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp tương đương với cùng kỳ năm 2023 và các năm trước đó.

Ảnh minh họaẢnh minh họa. Ảnh Thanh Giang.

Cụ thể, tính đến ngày 6/10, số bệnh nhân viêm tiểu phế quản ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là 4.693 ca (tương đương 129% so với cùng kỳ năm 2023); số bệnh nhân viêm phổi là 8.176 ca (tương đương 90,8% so với cùng kỳ năm 2023).

So sánh trong vòng 5 năm từ 2019 - 2024, số lượng bệnh nhân hô hấp năm 2024 vẫn không có biến động đáng kể, số bệnh nhân viêm tiểu phế quản dao động khoảng 5.000 trường hợp/năm và viêm phổi dao động khoảng 10.000 trường hợp/năm.

Tình trạng cũng tương tự tại các bệnh viện có khoa nhi khác trên địa bàn thành phố. Vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là khi bước vào mùa tựu trường, tình hình bệnh hô hấp ở trẻ em thường có xu hướng tăng cao do các yếu tố thời tiết biến động và sự lây lan trong môi trường lớp học.

“Tình hình gia tăng số ca bệnh hô hấp ở trẻ em trong thời điểm hiện nay không phải là một “bệnh hô hấp mới”. Nguyên nhân chính là các siêu vi thông thường như: Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa… thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa”, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

Tuy nhiên, để phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn này, Sở Y tế khuyến cáo người dân và các cơ sở giáo dục phải thường xuyên vệ sinh lớp học và giữ thông thoáng lớp.

Các cơ sở giáo dục cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để thông báo kịp thời cho cơ sở y tế. Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh.

Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch giúp giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp; phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Ngoài ra, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo phụ huynh không nên quá lo lắng, thay vào đó cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và gia đình. Tình hình bệnh hô hấp tại thành phố vẫn đang được kiểm soát tốt và chưa có dấu hiệu bất thường so với các năm trước.

Hoàng Bách(t/h)