“Nếu giờ đây được lựa chọn lại lần nữa, con vẫn sẽ lựa chọn lên đường đến với thành phố mang tên Bác này. Vì những ngày chống dịch ở đây, con nhận được quá nhiều tình yêu thương”. Đó là tâm sự đầy xúc động của bạn Cao Thị Phương Thảo, sinh viên lớp YN khóa 43, Trường Đại học Y dược Cần Thơ viết trong thư gửi về cho gia đình sau gần 2 tuần tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại TP.HCM.
Gọi điện từ Cần Thơ cho bạn Phương Thảo vào lúc 20h, bạn cho biết, nhóm được nghỉ ngơi 1 ngày để lấy lại sức sau những ngày làm việc quên thời gian. Bạn Thảo tâm sự, khi Hải Dương, Bắc Giang bùng dịch, bạn đã muốn tham gia hỗ trợ, luôn trong tư thế sẵn sàng viết đơn tình nguyện. Nhưng mãi đến khi TP.HCM dịch diễn biến phức tạp, cần sự trợ giúp thì bạn mới thực hiện được mong ước của mình.
Mất 2 ngày “đấu tranh” cùng mẹ, bạn mới nhận được cái gật đầu đáng quý. Biết trước là sẽ vất vả, nhưng khi bắt đầu công việc hỗ trợ tại phường 4, quận 11, nhóm 5 người của Thảo đã phải “bất ngờ” trước cường độ làm việc liên tục, ít thời gian ngơi nghỉ. Công việc chính của các bạn là hỗ trợ lấy mẫu cộng đồng, nhưng khi xong sớm, sẽ giúp cán bộ phường nhặt rau củ bỏ vào túi nhỏ mang tặng cho gia đình có F0.
Chợt giọng Thảo lắng xuống, chầm chậm nói, chỉ mới mười mấy ngày mà bạn thấy ranh giới của sự sống và cái chết tại TP.HCM này sao thật mong manh, có những lần đến nhà người dân lấy mẫu, tận mắt chứng kiến nhiều bệnh nhân thở máy một cách đầy khó nhọc, hay những lần lặng đi khi người dân thông báo: “Nhà cô/chú có mấy người mà giờ có 1, 2, thậm chí 3 đã chết vì Covid-19 rồi”; những câu chuyện cấp cứu trong đêm cho bệnh nhân để rồi chứng kiến bệnh nhân ra đi được các anh chị trạm y tế kể lại trong bất lực …
Từng câu chuyện thương tâm mà Thảo tận mắt chứng kiến, lắng nghe, khiến bạn lại càng thấy quyết định tham gia hỗ trợ TP.HCM là đúng đắn. Bạn đang được "cháy" hết mình vì màu áo blouse trắng và chỉ mong sao công sức nhỏ nhoi của bản thân có thể giúp được phần nào cho các anh chị tuyến đầu đang phải quá tải, kiệt sức có thêm thời gian nghỉ ngơi, dù chỉ là một phút.
“Em vui nhất là khi thông báo F0 được âm tính rồi, em cũng cảm thấy ý nghĩa công việc mình làm. Em rất ngưỡng mộ các anh chị bác sĩ, nhân viên y tế ở trạm, Bệnh viện dã chiến đã cứu được rất nhiều người, giúp được rất nhiều người, dù chỉ thêm một người nở nụ cười là em cũng thấy vui rồi và lấy đó là động lực sắp tới. Em cũng rất yêu Sài Gòn, nên có thể giúp cho thành phố mang tên Bác sớm được “khỏe” lại thì em mừng lắm”, Thảo nói.
Cùng lên đường đến TP. HCM vào ngày 27/8 vừa qua, bạn Nguyễn Hữu Thắng, sinh viên năm thứ 6 ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, hiện đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tại Trạm Y tế phường 3, quận 4. Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Thắng đã xung phong vào đội hình tình nguyện của trường, hỗ trợ truy vết cộng đồng tại tỉnh Đồng Tháp, tham gia chiến dịch xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại Cần Thơ và lần này là vào tâm dịch TP.HCM.
Một ngày Thắng cùng nhóm làm việc 2 ca sáng, chiều, lấy mẫu cộng đồng, mặc bộ đồ bảo hộ y tế suốt cả buổi, hướng dẫn thao tác cho từng người dân, dù đã quen nhưng nhiều lúc vẫn cảm thấy như muốn gục ngã vì mất nước do mồ hôi ra nhiều. Nhưng khi thấy niềm vui của người dân nhận kết quả âm tính hay đã hết bệnh, thì bao nhiêu mệt nhọc lại tiêu tan.
Khi được hỏi bản thân có lo lắng bị mắc Covid-19 không? Bạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, ở TP.HCM, khi test số ca dương tính phát hiện ra liên tục, nhưng những ngày tháng chống dịch ở Cần Thơ đã trở thành kinh nghiệm quý giá, những bài học mà thầy cô hết lòng tập huấn giờ đây trở thành lá chắn bảo vệ, nên không còn lo lắng phơi nhiễm nữa. Tất cả nhóm chỉ lo làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhiều ngày, ngoài việc đi qua mấy dãy phố dài, vào nhiều hẻm nhỏ để test hoặc hướng dẫn người dân tự test, nhóm Thắng còn hỗ trợ công việc nhập dữ liệu suốt nhiều tiếng đồng hồ. Từng việc nhỏ cộng lại đã cho Thắng học thêm được rất nhiều kinh nghiệm từ đàn anh, đàn chị đi trước và thấy yêu hơn khoảnh khắc đang tham gia.
“Khi tham gia đăng ký tình nguyện của trường, lúc đó tụi em suy nghĩ rất nhiều nhưng thực sự đây là dấu ấn trong quãng đời sinh viên của mình và cũng là một phần tuổi trẻ của chúng em. Chúng em sẽ cống hiến hết sức trẻ vào công tác phòng, chống dịch chung của cả nước. Cả đoàn đều hy vọng TP.HCM mau quay lại trạng thái bình thường, trở lại nhịp sống như trước”, bạn Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ.
Không chỉ sinh viên, gần nửa tháng nay, anh Dương Thế Hiển, nhân viên Phòng Đào tạo, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thành phố Cần Thơ cũng tình nguyện tham gia Đội hình chi viện hỗ trợ TP. HCM chống dịch Covid-19. Sợ ba mẹ lo lắng nên anh giấu luôn chuyện mình đi vào tâm dịch. Anh được Thành đoàn Cần Thơ giao phụ trách hỗ trợ, phối hợp triển khai đội hình gồm 89 sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tình nguyện tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn quận 11, TP.HCM.
Anh Dương Thế Hiển cùng một cán bộ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ điều phối hoạt động Đội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cộng đồng trên địa bàn quận 11, từ việc liên hệ đảm bảo nơi ăn nghỉ, phương tiện di chuyển đến điểm lấy mẫu xét nghiệm, chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế. Khi các tình nguyện viên làm việc, anh hỗ trợ “vòng ngoài”, nhắc nhở người dân giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ gìn an ninh trật tự tại điểm lấy mẫu xét nghiệm. Không trực tiếp làm công tác chuyên môn, nhưng việc trông nom, động viên, nhắc nhở các bạn sinh viên tình nguyện của anh Hiển cũng như cán bộ quản lý khác đã “truyền lửa” cho mỗi bạn hoàn thành tốt công việc của mình hơn.
Anh Dương Thế Hiển chia sẻ, dù biết đi vào tâm dịch TP.HCM rất nguy hiểm nhưng là một viên chức trẻ, anh nghĩ, mình cần làm gì đó giúp nhân dân, chung sức cùng các cấp, các ngành sớm đẩy lùi dịch bệnh.
“Do nhịp độ, cường độ làm việc khác ở Cần Thơ và cách làm việc cũng khác, mấy ngày đầu các bạn chưa thích ứng được với công việc nên khá mệt mỏi. Tôi cũng an ủi, động viên các bạn, sau đó làm việc trực tiếp với cán bộ địa phương để tháo gỡ khó khăn. Từ lúc đi cho đến nay, các bạn sinh viên hỗ trợ Sài Gòn rất quyết tâm, thực hiện tốt mọi biện pháp và cố gắng hỗ trợ Sài Gòn hết mình. Tất cả tuổi trẻ thành phố Cần Thơ mong muốn Sài Gòn chiến thắng đại dịch. Dù có hiểm nguy hơn nữa thì chúng tôi vẫn sẽ cố gắng hết mình để Sài Gòn sớm vượt qua đại dịch”, anh Dương Thế Hiển nói.
Nguy hiểm có, khó khăn có, nhiều khi mệt đến gục ngã cũng có, nhưng với sức trẻ, sự quyết tâm và nụ cười nhận lại được từ người dân nơi tâm dịch TP.HCM, các bạn trẻ Cần Thơ đang cố gắng hết sức mình, sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu, cùng các đội hình sinh viên tình nguyện khắp nơi trên cả nước đưa thành phố sớm trở lại màu xanh, để lại tiếp tục là nơi cưu mang của biết bao người con xa quê./.
Hồng Phương/VOV-ĐBSCL