Bắp cải được bày bán tại siêu thị BigC Hà Nội. Ảnh: VGP |
Hàng hoá của Hải Dương bị ách tác, nông sản bị hư hỏng, vứt bỏ, vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng mà không vận chuyển được thức ăn đến để tiếp tục nuôi sống đàn; nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm; đặc biệt hàng xuất khẩu đến hạn phải giao hàng nhưng không đưa xuống được gây thiệt hại rất lớn, tác động lâu dài đến sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh….
Trong bối cảnh đó, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam lại tiếp tục được nêu cao khi rất nhiều rau, củ, nông sản của Hải Dương đã được các doanh nghiệp phân phối và nhóm tình nguyện đã chung tay “giải cứu”. Cùng với đó là sự vào cuộc của Bộ Công Thương khi cơ quan này liên tục ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương và hệ thống phân phối thực hiện việc đảm bảo lưu thông hàng hoá và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ lớn phía Bắc cũng chung tay trong việc thu mua nông sản từ Hải Dương.
Chung tay giải cứu nông sản
Ngày 16/2, MM Mega Market Việt Nam (MM) đã phát đi công văn đề xuất được hỗ trợ “kết nối và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Kế hoạch giải cứu nông sản được chính thức triển khai vào sáng ngày 19/2/2021 với lô hàng đặt mua đầu tiên lên đến 24,3 tấn rau quả, bao gồm: su hào, cải bắp và ổi, được chuyển từ Hải Dương và sẽ phân phối về các trung tâm của MM tại Hà Nội, khu vực miền Trung và miền Nam.
Giá bán các sản phẩm nông sản theo tiêu chí "bán hàng không lợi nhuận". Chuyến hàng “giải cứu nông sản” đầu tiên đã được nhập vào bán tại hệ thống MM từ ngày 22/2 với giá bán chỉ 5.900 đồng/kg.
Quá trình vận chuyển hàng hoá từ Hải Dương đi các tỉnh, thành phố khác phải tuân thủ nghiệm ngặt các quy định về Phòng chống dịch của tỉnh, như: Các xe chuyên chở hàng hóa thiết yếu phải có đủ: xét nghiệm PCR trong vòng 3 ngày (đối với lái xe, nhân viên đi theo xe chở hàng,…); giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp vận tải; phun khử khuẩn toàn bộ xe chở hàng và phương tiện; tuân thủ nghiêm quy tắc 5K.
MM Mega Market Việt Nam cho biết, dự kiến các chuyến hàng nông sản từ Hải Dương đến Hà Nội có sản lượng sẽ lên đến 5 – 6 tấn mỗi chuyến, với tần suất mỗi ngày 1 chuyến. Đối với TPHCM và khu vực miền Trung, dự kiến sẽ có 2 chuyến hàng “giải cứu” mỗi tuần, tổng sản lượng lên đến 70 tấn/tuần.
Tương tự, từ ngày 22/2, hệ thống siêu thị GO! / Big C (Central Retail) áp dụng chương trình bán hàng với giá ưu đãi các loại nông sản của tỉnh Hải Dương, gồm: cà rốt, cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, hành lá,… dự kiến, trong 1 tuần, GO! / Big C miền Bắc sẽ tiêu thụ khoảng 70 tấn nông sản của Hải Dương, và sẽ tiếp tục tiêu thụ các sản phẩm của Hải Dương cho đến cuối mùa vụ, nhằm chung tay giúp người nông dân bớt thiệt hại nhất có thể.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail (quản lý vận hành chuỗi siêu thị Big C & GO!) cho biết: “Thực hiện cam kết “Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”, Central Retail tại Việt Nam luôn đồng hành cùng người nông dân, trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường nội địa. Chúng tôi hy vọng rằng, với tinh thần tương thân tương ái, người tiêu dùng sẽ ủng hộ sản phẩm của Hải Dương, để người nông dân bớt khó khăn, ổn định cuộc sống”.
Như vậy, các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MMMegaMarket đều đang thực hiện việc thu mua nông sản từ Hải Dương với điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện.
Tại Hà Nội, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, nhóm tình nguyện, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản số 692/SCT-QLTT gửi Sở GTVT Hà Nội và Công an Hà Nội đề nghị hỗ trợ các phương tiện chở hàng hóa nông sản Hải Dương lưu thông thuận lợi trên địa bàn TP Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện các hệ thống phân phối vẫn đang nỗ lực hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản, trung bình khoảng 100 tấn/tuần. Hàng hoá và xe vận chuyển đều được kiểm dịch, phun khử khuẩn kỹ càng. Nhưng cũng do việc kiểm soát kỹ nên tiến độ vận chuyển chậm, các hệ thống phân phối muốn hỗ trợ tiêu thụ nhiều hơn cũng khó.
Trước tình hình hàng tấn gà đồi Chí Linh ế ẩm không bán được, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đang liên hệ các cơ sở giết mổ tập trung, đề nghị các cơ sở này chung tay để kiểm dịch, sơ chế, đóng gói gà và chuyển đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, vận động, đề nghị các cơ quan, công sở, đoàn hội, khu dân phố trên địa bàn mua ủng hộ cho bà con. Qua trao đổi, đã có một số cơ sở giết mổ lớn đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hỗ trợ không lấy lãi.
Big C áp dụng chương trình bán hàng với giá ưu đãi các loại nông sản của tỉnh Hải Dương. |
Trước những nghi ngại về vấn đề dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng tới hàng hoá, nông sản, ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương cho biết, Sở Công Thương Hải Dương đã căn cứ theo quy định phòng dịch của Bộ Y tế để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch từ khâu sản xuất tới thu hoạch, vận chuyển rất chặt chẽ.
Theo đó, quy trình thu hoạch, vận chuyển nông sản được quán triệt tới các địa phương của tỉnh Hải Dương. Những địa phương có dịch thì đã thực hiện cách ly, nông sản tại đó được thu hoạch bởi những người từ địa phương khác.
Tại những địa phương không có dịch, toàn bộ những người thuộc diện F1, F2, F3 không được phép ra đồng thực hiện thu hoạch nông sản. Người nông dân khi ra đồng thu hoạch phải đảm bảo tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.
Ông Phạm Thanh Hải cho hay, tất cả lái xe chở hàng từ Hải Dương đi ra khỏi tỉnh đều phải có giấy xét nghiệm chứng minh âm tính với SARS-CoV-2. Giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị trong 3 ngày và được kiểm tra chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch tại tỉnh Hải Dương cũng như các địa phương xe đến. Toàn bộ xe chở hàng hóa, nông sản ra khỏi Hải Dương đều được phun khử khuẩn nên đảm bảo yếu tố an toàn phòng dịch.
"Một đoạn đường chỉ khoảng 10 km từ điểm thu mua nông sản ra tới quốc lộ, xe chở nông sản phải qua 10 chốt kiểm dịch, đều phải phun khử khuẩn. Những nông sản của Hải Dương chở đi tiêu thụ tại tỉnh ngoài đều đảm bảo an toàn phòng dịch", ông Phạm Thanh Hải khẳng định.
Sở Công Thương Hải Dương cũng chia sẻ sự cảm kích khi trong những ngày vừa qua, việc giải cứu nông sản của Hải Dương được triển khai rầm rộ.
“Chúng tôi rất cảm ơn tình cảm của người dân Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác. Tuy vậy, với lượng giải cứu chỉ vài chục tấn thì chỉ đáp ứng được yêu cầu cấp bách trước mắt vì ở Hải Dương vẫn còn tới vài chục nghìn tấn nông sản chưa thể tiêu thụ", ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Hải cho rằng, để giải quyết được bài toán nông sản ùn ứ tại Hải Dương cần cơ chế thống nhất về lưu thông, chứ không thể thực hiện cho từng xe một ra vào giải cứu như hiện tại. Đặc biệt, Hải Dương vẫn rất khó khăn khi chở hàng tới cảng biển Hải Phòng để xuất khẩu theo những đơn hàng đã ký kết với đối tác nước ngoài.
“Chúng tôi đã kiến nghị với Hải Phòng cho cơ chế các thương lái, doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nông sản; mặt khác, yêu cầu lái xe mặc đồ bảo hộ và tuân thủ các quy định 5K trong phòng chống dịch. Hoặc, phía các tỉnh bạn khi xe sang Hải Dương vận chuyển hàng, thực hiện niêm phong buồng lái. Lái xe mặc đồ phòng hộ ngồi yên trên xe, không tham gia tiếp xúc, không rời khỏi cabin trong suốt thời gian lái xe. Sau khi xuất hàng xong, lái xe lập tức lái xe quay trở lại Hải Dương, không dừng xe dọc đường", ông Hải đề xuất.
Phan Trang