Chỉ ra hàng loạt điểm hạn chế trong cơ chế, chính sách về dòng vốn tín dụng "rót" vào bất động sản, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đặt câu hỏi: "Chúng ta bàn về câu chuyện huy động nguồn vốn bất động sản theo nghĩa nào?".

"Chỉ mỗi câu chuyện siết tín dụng ngân hàng "rót" vào bất động sản hay bàn cả câu chuyện dài hơn là thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng cung cầu mất cân đối", GS. TSKH. Đặng Hùng Võ nêu ra vấn đề.

Siết vốn tín dụng "rót" vào bất động sản: Cơn sốt đất càng phức tạp hơn - Ảnh 1.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Hoàng Anh

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, thực tế là do thiếu thu nhập nên người ta lao vào kinh doanh bất động sản, hình thức này vừa mang tính chất ảo, vừa mang tính thật. Chính vì thế, nếu chúng ta tiếp tục siết tín dụng vào bất động sản thì nguồn cung sẽ càng giảm và thiếu so với nguồn cầu đang tăng.

"Dòng vốn cho thị trường bất động sản trong bối cảnh thị trường đang chứng kiến các cơn sốt đất ngày càng mạnh hơn và nhiều dự án bất động sản đang hình thành trong tương lai, cho nên câu chuyện này sẽ càng phức tạp hơn trong bối cảnh hiện nay", GS. TSKH. Đặng Hùng Võ cho hay.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ lấy dẫn chứng trên thế giới: Năm 1980 Nhật Bản rơi vào sốt giá, cơn sốt trên thị trường bất động sản đã khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản hình thành bong bóng. Năm 1997 tại Thái Lan, thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã gây nên khủng hoảng tài chính toàn ASEAN. Năm 2008, khủng hoảng tại Mỹ do áp dụng cơ chế thế chấp gây khủng hoảng toàn cầu, ngân hàng Mỹ đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để cứu thị trường. Hay chúng ta đã nhìn thấy sự tàn phá của lạm phát 2009 - 2010 tại Việt Nam đã làm thị trường rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Chúng ta cần suy xét cẩn thận nguồn thu từ đất, để tránh sốt đất không lặp đi lặp lại sốt giá. Nước ngoài không có chu kỳ lặp lại sốt giá, nhưng tại Việt Nam, năm 1990 – 1992 đất tăng gấp 10 lần, năm 2000 – 2002 tăng gấp 10 lần, cứ thế tăng lên và giờ đã tăng rất nhiều lần.

"Trong các nguồn vốn vào thị trường bất động sản, chúng ta có chủ trương huy động dòng tiền từ dân, đây là chủ trương tốt, nhưng quan trọng việc huy động dòng tiền như thế nào?", GS. TSKH. Đặng Hùng Võ đặt vấn đề.

Cũng theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, vốn tín dụng đang khuyến khích cho các nhà đầu tư vay làm hạ tầng, bây giờ mới bắt đầu mở ra thị trường chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu,… Do đó, chúng ta có thể sáng kiến ra nhiều phương thức huy động vốn, nhưng phải kiểm soát việc huy động này một cách cẩn thận.

Siết vốn tín dụng "rót" vào bất động sản: Cơn sốt đất càng phức tạp hơn - Ảnh 2.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Hoàng Anh

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội góp ý về dòng vốn "rót" vào bất động sản cần phải có sự can thiệp để giảm rủi ro nhưng ông Hiếu cho rằng, nếu đưa ra các biện pháp can thiệp vào việc phát hành trái phiếu thì phải phân biệt rõ người chơi với mức độ rủi ro nào?!.

"Việc xếp hạng tín nhiệm sẽ không cực đoan nhưng phải xem xét cụ thể từng đối tượng và phải theo nguyên tắc quản trị rủi ro", ông Hiếu đánh giá.

Theo ông Hiếu, chúng ta không thể kiềm chế được rủi ro nên cần phải xem Luật Phá sản, phải sửa để doanh nghiệp phá sản kịp thời, đúng thời điểm để sàng lọc thị trường. Cách tiếp cận và cơ chế xử lý phải kỹ thuật, rõ ràng. Doanh nghiệp cũng là nạn nhân nên việc bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư cũng là điều cần thiết để minh bạch hóa thị trường và đây là điều rất quan trọng.

Tiếp đó là cần phải nâng cao khả năng hấp thụ đồng bộ về quản lý rủi ro. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nên nhìn nhận rộng hơn và có những kiến nghị cụ thể hơn để giảm thiểu rủi ro cho thị trường.