Thông tin này được Ngân hàng Nhà nước cho biết trong báo cáo vừa gửi Quốc hội. Theo cơ quan này, sở hữu chéo, sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa các ngân hàng, doanh nghiệp đã giảm. Việc các cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng được hạn chế so với trước.

Tuy nhiên, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó ngăn ngừa khi cổ đông lớn và nhóm cổ đông cố tình che giấu, nhờ người hoặc tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng và người có liên quan góp vốn, mua cổ phần không được vượt quá 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết, sở hữu cổ phần tại ngân hàng khác giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.

"Việc này dẫn tới tổ chức tín dụng có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch và chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra", theo Ngân hàng Nhà nước.

Để ngăn ngừa, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thanh tra chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối; cấp tín dụng với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng vào bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn). Thông qua thanh tra vốn, tình hình sở hữu cổ phần, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn, nhà chức trách sẽ giám sát an toàn hoạt động của ngân hàng đó và xem xét chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại cổ phần, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại cổ phần, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu khó khăn trong ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng, doanh nghiệp thuộc sự quản lý của các bộ, ngành.

Cơ quan này đánh giá rất khó phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định danh tính liên quan sở hữu của doanh nghiệp, nhất là đơn vị không phải công ty đại chúng.

"Các bộ, ngành cần giám sát việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trực thuộc tại các tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn, trả nợ đúng hạn", Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm.

Năm ngoái, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh tra 1.420 cuộc, trong đó 27% là đột xuất. Ba tháng đầu năm nay đã có 371 cuộc thanh tra, trong đó các cuộc đột xuất chiếm 13%.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng để nâng cao hiệu quả.