Sắp thanh tra hoạt động xây dựng của Vietinbank: Siêu dự án “ngủ đông” Vietinbank Tower sẽ vào tầm ngắm?

Tọa lạc tại khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ, Hà Nội), dự án công trình “Trụ sở chính VietinBank Tower – Trung tâm thương mại tài chính ngân hàng” mặc dù được khởi công từ 2010 với vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng nhưng đến nay, dù ngân hàng này đã qua 4 đời Chủ tịch, dự án vẫn đang là một công trường ngổn ngang phế liệu và hoang phế.
sap-thanh-tra-hoat-dong-xay-dung-cua-vietinbank-sieu-du-an-ngu-dong-vietinbank-tower-se-vao-tam-ngam-1705664508.png
Dự án Vietinbank Tower bỏ hoang trơ khung sắt.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mới đây đã ký ban hành kế hoạch thanh tra năm 2024. Theo đó, bộ này sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng ở một số dự án do Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư.

Ngân hàng Vietinbank được biết đến là chủ đầu tư siêu dự án “Trụ sở chính VietinBank Tower - Trung tâm thương mại tài chính ngân hàng” (VietinBank Tower) toạ lạc tại quận Tây Hồ, Hà Nội.

Được khởi công từ ngày 20/10/2010, siêu dự án VietinBank Tower tọa lạc tại khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), với diện tích hơn 3 ha. VietinBank Tower gồm 2 tòa tháp, tháp thứ nhất cao 363m sẽ là một tòa nhà hình chữ V 68 tầng được thiết kế tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ sẽ là trụ sở làm việc chính của VietinBank, với chiều cao này tháp VietinBank Tower sau khi hoàn thành sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất Hà Nội; tháp thứ hai nhỏ hơn với 48 tầng, sẽ cao 250m là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, căn hộ cao cấp cho thuê. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng.

Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang dang dở, dừng thi công nhiều năm. Nguyên nhân chưa thể hoàn thành dự án được lãnh đạo ngân hàng Vietinbank lý giải do lộ trình tăng vốn chưa được phê duyệt, dẫn tới nhiều vướng mắc, khó để tiếp tục dự án.

Đến cuối năm 2018, ngân hàng Vietinbank đã họp đề ra phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án, phía Ngân hàng sẽ thuê lại 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Hết thời gian thuê, VietinBank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể. Ngân hàng đã mời một số nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh quan tâm. Nhưng cho đến nay, dự án vẫn “ngủ đông” cùng đống sắt vụn khổng lồ.

Trước đó, vào ngày 22/9/2023, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Vietinbank xác định rõ nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng để xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, làm cơ sở thống nhất việc quản lý và thực hiện hợp đồng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.

Tại văn bản này, Bộ Xây dựng nêu rõ: “Đề nghị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam xác định rõ nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng để xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, làm cơ sở thống nhất việc quản lý và thực hiện hợp đồng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Trường hợp việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng không do lỗi của bên nhận thầu thì bên nhận thầu được yêu cầu bồi thường thiệt hai theo quy định tại Điều 146 Luật Xây dựng”.

Là 1 trong 4 “Big four” ngành ngân hàng của Việt Nam, tính đến hết năm 2022, Nhà nước vẫn nắm giữ hơn 64% tỷ lệ vốn tại VietinBank.

Tính từ năm 2010, vị trí cao nhất của Ngân hàng này - Chủ tịch HĐQT lần lượt thuộc về các ông Phạm Huy Hùng (đã nghỉ hưu); Nguyễn Văn Thắng (đương kim Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải); Lê Đức Thọ (nguyên Bí thư Bến Tre vừa bị bắt mới đây); Trần Minh Bình (từ 2019 đến nay)… Như vậy, dù ngân hàng VietinBank đã qua 4 đời Chủ tịch, song đến nay dự án VietinBank Tower vẫn đang là một công trường ngổn ngang phế liệu và hoang phế.