Cổng Thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài”, làm sáng tỏ quy định về room ngoại.
Bản cập nhật “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài” làm rõ quy định tại Phụ lục I, Nghị định số 31/NĐ-CP về 58 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, đây là căn cứ pháp lý cập nhật nhất, giúp các doanh nghiệp và những người quan tâm soi chiếu tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) trong những ngành nghề đầu tư có điều kiện tại Việt Nam.
Doanh nghiệp bảo hiểm: Không hạn chế tỷ lệ sở hữu của vốn ngoại
Ngày 16/9/2021, Bộ Tài chính ra Công văn trả lời câu hỏi mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra từ tháng 4/2021 về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh. Theo đó, Bộ Tài chính đã hướng dẫn SCIC cập nhật thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư (tại vietnaminvest.gov.vn). Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định tại Điều 18 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trên cơ sở phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành nghề quy định tại Phụ lục I, Nghị định số 31, bao gồm dịch vụ bảo hiểm.
“Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài” công bố ngày 31/8/2021 là căn cứ để biết doanh nghiệp có được định danh trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không; tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu.
Thực tế, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được Cổng thông tin quốc gia cập nhật vào ngày 31/8/2021. Lần cập nhật trước đó là từ năm 2015. Trong lần cập nhật mới nhất, các cơ quan chức năng đã thống nhất các điều kiện tiếp cận thị trường từ các hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cùng quy định pháp lý tại Việt Nam hiện hành. Theo đó, thông tin tại Cổng thông tin quốc gia về đầu tư về ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện có tính bao quát và thống nhất chung giữa các cơ quan chức năng, làm căn cứ pháp lý cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và các thành viên thị trường hiểu rõ về câu chuyện nới room.
Ngành dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán luôn được quan tâm đặc biệt, bởi đây là ngành thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư ngoại và trên thị trường, một số doanh nghiệp từ lâu rất muốn nới room, nhưng chưa tìm được câu trả lời rõ ràng về tỷ lệ tối đa được phép bán cho khối ngoại.
Hai doanh nghiệp vướng nhất trong câu hỏi về room là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI, niêm yết trên sàn HOSE) thông qua quyết định nới room lên 100% tại Đại hội đồng cổ đông tháng 4/2019. Tại sự kiện, ông Lê Song Lai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo Minh khi đó cho biết, sau khi cổ đông đồng thuận, Tổng công ty sẽ làm việc với cơ quan chức năng để được hướng dẫn về thủ tục nới room. Bảo Minh mong muốn có thể hoàn tất các thủ tục vào quý III/2019 để kịp nắm bắt cơ hội có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phiếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, BMI vẫn chưa hiện thực hóa được kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư ngoại bởi việc hỏi các cơ quan chuyên ngành (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính) không ra được một con số cụ thể, cho phép doanh nghiệp được nới room đến tỷ lệ là bao nhiêu.
PTI thì thông qua quyết định nới room lên 100% tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 24/6/2020. PTI kỳ vọng nới room để tăng vốn, mở rộng kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận, tăng xếp hạng tín dụng quốc tế…, nhưng doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong xác định tỷ lệ pháp lý cho phép nới room ngoại đến mức nào. Trong cuộc trao đổi với báo chí vào tháng 4/2021, ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc PTI cho biết, Công ty đã đợi 9 tháng, nhưng chưa nhận được câu trả lời từ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về trường hợp của mình. “Chúng tôi chỉ mong sớm nhận được câu trả lời, để biết sẽ được làm gì tiếp theo”, ông chia sẻ.
Những điểm chưa rõ về room ngoại với các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý chuyên ngành đã được làm sáng tỏ trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư kể từ ngày 31/8/2021. Theo đó, với khối doanh nghiệp bảo hiểm, Cổng thông tin cho biết, quy định tại WTO, VJEPA, CPTTP đều không hạn chế, ngoại trừ; quy định tại EVFTA cũng không hạn chế, ngoại trừ các quy định trong cam kết chung. Pháp luật Việt Nam quy đinh, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập doanh nghiệp bảo hiểm là không hạn chế. Cổng thông tin quốc gia cũng làm rõ, doanh nghiệp bảo hiểm gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Trao đổi với Kinh tế và Dự báo, ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng tổng hợp, thông tin, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài” công bố ngày 31/8/2021 là bản mới nhất, làm căn cứ để biết doanh nghiệp có được định danh trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không; tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu với từng ngành, nghề cụ thể. Đây là điểm mà cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đã chờ đợi từ lâu và không ít kiến nghị đã được nêu lên trong các diễn đàn chính sách của Nhóm công tác thị trường vốn.
Sáng tỏ chuyện nới room
Sáng tỏ chuyện nới room tại “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài” là tin vui cho doanh nghiệp và nhà đầu tư ngoại. Các ngành nghề chịu những quy định về điều kiện đầu tư khác nhau, nhưng việc làm rõ căn cứ pháp lý, các điều kiện, cam kết quốc tế có quy định về room giúp doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian, nhà đầu tư quốc tế được tiếp cận thông tin minh bạch và biết rõ không gian đầu tư, thoái vốn của mình.
Chẳng hạn, với ngành ngân hàng “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài” đã tổng hợp quy định từ WTO, AFAS, VJEPA, VKFTA, EVFTA, CPTTP, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, các nghị định, văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành để “định danh” mức độ tham gia của nhà đầu tư ngoại trong từng loại việc cụ thể. Căn cứ vào đây, các ngân hàng, nhà đầu tư tiềm năng sẽ biết rõ các điều kiện cần đáp ứng nếu muốn xây nên sự hợp tác và tỷ lệ đầu tư. Room cho các ngân hàng về cơ bản vẫn là 30%, nhưng các điều kiện được cập nhật và rõ ràng là một điểm cộng của quy chuẩn mới.
Với khối chứng khoán, các hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như quy định pháp lý tại Việt Nam đều cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế trong các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Với ngành “Sở giao dịch hàng hóa”, “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài” cập nhật quy định tại CPTPP, quy định của pháp luật Việt Nam và thông tin về việc nhà đầu tư nước ngoài có quyền góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với mức mua không quá 49% vốn điều lệ. Nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động mua, bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa với tư cách khách hàng hoặc tham gia làm thành viên Sở Giao dịch hàng hóa với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không hạn chế.
Điểm nhiều nhà đầu tư thắc mắc đó là Phụ lục I, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP có nhiều ngành nghề rất chung chung, như “Dịch vụ quảng cáo”; “Dịch vụ giáo dục”; “Nuôi, trồng thủy sản”; “Kinh doanh bất động sản”; “Dịch vụ pháp lý”; “Dịch vụ thú y”; “Dịch vụ du lịch”; “Kinh doanh dịch vụ logistics”; “Dịch vụ liên quan đến gia đình”…, nhưng đã được định nghĩa rõ trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư trong bản cập nhật ngày 31/8/2021. Chẳng hạn, ngành “dịch vụ liên quan đến gia đình” được định danh rõ là dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; dịch vụ tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, dịch vụ tư vấn về pháp luật, tâm lý, chăm sóc sức khỏe, bố trí nơi tạm lánh và các điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình, dịch vụ hướng dẫn, tư vấn cho thành viên gia đình và trẻ em về các vấn đề hành vi, giáo dục… Ngành nghề này tuân theo căn cứ pháp lý tại AFAS, EVFTA, CPTTP, Nghị định số 08/2009/NĐ-CP. Theo đó, ngành này cho phép thành lập liên doanh trong đó vốn góp nước ngoài không vượt quá 70%./.
Theo Kinh Tế Và Dự Báo
NDH