Chờ tái cơ cấu

Đơn cử như Sacombank, lợi nhuận trước thuế 2022 thu được lên tới 6.339 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại 3.741 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất lũy kế 12.672 tỷ đồng. Tuy nhiên ngân hàng này 7 năm nay không có kế hoạch chia cổ tức.

Tờ Nhịp sống thị trường thông tin, tại đại hội cổ đông vừa qua ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết hiện tại, Sacombank đã trình phương án tăng vốn, chia cổ tức cho cổ đông, tuy nhiên Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức.

Hiện còn vấn đề liên quan đến chỗ cổ phiếu của ông Trầm Bê, ngân hàng đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, ngân hàng mới được chia cổ tức.
“Bản thân tôi là cổ đông lớn nhất ở đây, các thành viên trong HĐQT và Ban điều hành cũng là cổ đông và cũng muốn chia cổ tức. Chúng tôi xác định năm 2023 sẽ phấn đấu là năm cuối cùng giải quyết các tồn đọng này. Khi giải quyết xong vấn đề sẽ được chia cổ tức và chúng tôi cố gắng để hết năm nay để không còn phải nhận những lời than phiền về vấn đề cổ tức như vậy. Và khi được chia cổ tức chúng tôi cũng muốn chia hết luôn cho cổ đông chứ không phải lo giữ lại làm gì.”, ông Minh nói tại ĐHCĐ thường niên 2023.

Sacombank hiện đã cơ bản xử lý nợ xấu, còn khoản duy nhất cổ phần của ông Trầm Bê và người có liên quan. Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép bán đấu giá, khi bán xong khoản này mới khôi phục lại vốn. Sacombank phấn đấu trong năm nay giải quyết xong việc này và sau đó mới chia cổ tức.

Hay PG Bank cũng không chia cổ tức cả chục năm nay, Nguyên Chủ tịch PG Bank Nguyễn Quang Định cho biết, năm 2023, ban lãnh đạo ngân hàng vẫn chưa trình kế hoạch chia cổ tức do cổ đông lớn Petrolimex vừa tiến hành thoái vốn.

Lợi nhuận tích lũy của PG Bank đến thời điểm hiện tại khoảng 1.267 tỷ đồng. Nếu chia cổ tức thì PG Bank có khả năng chia đến khoảng hơn 40%. Việc chia cổ tức trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các quyết định của các cổ đông mới.

Eximbank cũng là một trong những nhà băng liên tục không chia cổ tức trong những năm qua do phải xử lý trái phiếu VAMC và liên tục không tổ chức được đại hội cổ đông.

Tại đại hội cổ đông mới đây, Nguyên Chủ tịch ngân hàng là ông Yasuhiro Saitohcho cho biết, năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần đầy là 4% trong năm 2012. Ngân hàng không thể chia cổ tức trong 9 năm qua do chưa thể tổ chức ĐHCĐ. Ông Yasuhiro Saitohcho cũng hé lộ tỷ lệ chia cổ tức có thể lên tới 2 con số, việc chia cổ tức có thể bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu theo chỉ đạo của NHNN.

Tuy nhiên, kết thúc ĐHĐCĐ ngày 15/2/2022, tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận đã không được cổ đông thông qua.

 
Sacombank, PG Bank, Saigonbank,... nhieu nam khong chia co tuc vi le gi?
Sacombank nhiều năm không chia cổ tức - Ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn 

Phụ thuộc vào độ an toàn của Bank

NCB cũng đã trải qua cả một thập niên không chi trả cổ tức. Lần gần nhất ngân hàng này trả cổ tức diễn ra vào năm 2011 với tỷ lệ hơn 7,5% bằng tiền mặt.

Ngân hàng NCB đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 đạt quy mô tổng tài sản 94.500 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động khách hàng đạt 78.000 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt 57.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 21% so với đầu năm.
 
Lợi nhuận trước trích lập theo phương án cơ cấu lại (PACCL) đề ra cho năm 2023 là 16 tỷ đồng, giảm 61% so với năm 2022. Quy mô khách hàng mục tiêu là 1 triệu khách hàng.
 
Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra, NCB dự kiến sẽ khai thác vào phân khúc khách hàng cá nhân cao cấp, có thu nhập cao, chủ sở hữu doanh nghiệp, phát triển ngân hàng số hướng đến giới trẻ. Trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp, khai thác hiệu quả các khách hàng hiện hữu, khách hàng thuộc chuỗi cung ứng của các đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với NCB.
 
Bên cạnh đó, ngân hàng cho biết sẽ quyết liệt hơn trong công tác xử lý nợ có vấn đề, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xử lý nợ theo đúng lộ trình, kế hoạch đã cam kết với hội đồng quản trị và đề án cơ cấu lại ngân hàng đã trình ngân hàng nhà nước, thực hiện bám sát đề án cơ cấu lại của ngân hàng nhà nước.
 
Về phương án phân phối lợi nhuận 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro đạt 309 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cam kết của NCB với Ngân hàng Nhà nước là sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận để trích lập các khoản cần xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt, do đó lợi nhuận trước thuế của NCB còn lại 1,2 tỷ đồng và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 1,2 tỷ đồng. Do đó NCB tiếp tục dự kiến không chia cổ tức năm 2022. 

Tờ Dân Việt cho biết, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - UPCOM: SGB) cũng đã có 6 năm liên tiếp không chia cổ tức.

Ngân hàng này đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Vốn huy động và dư nợ cho vay tăng lần lượt 6% và 6,9%, đạt 24.750 tỷ đồng và 20.915 tỷ đồng. Nợ xấu (nhóm 3-5) sẽ vẫn đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng gần 27% so với kết quả năm 2022. Vì vậy, Saigonbank không có kế hoạch tăng vốn cũng như chia cổ tức năm 2022 và 2023.
 
Trước đó, trong năm 2021, Saigonbank có kế hoạch chia cổ tức 5% cho cổ đông bằng tiền mặt. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó bị hoãn lại, với lý do tăng cường khả năng chống chịu trước đại dịch Covid-19.

Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho rằng, việc nhiều ngân hàng/doanh nghiệp không trả cổ tức không hẳn đã xấu, thậm chí có thể còn tốt nếu tiền lãi đó được dùng để dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh một cách hợp lý và hiệu quả.

“Vấn đề là tiền được giữ lại để làm gì. Doanh nghiệp có lợi nhuận, tiền giữ lại phải có kế hoạch đầu tư kinh doanh thì mới tốt. Khi doanh nghiệp không trả cổ tức, các cổ đông phải xem phương án sử dụng số tiền lãi đó làm gì”, ông Kháng chia sẻ.

Hai năm trước, cổ đông của các ngân hàng đã rất buồn khi không được chia cổ tức do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền để hạ thêm lãi suất cho vay. Tuy nhiên đến nay sau đại dịch Covid-19 đã không còn là mối lo quá lớn nhưng những ngân hàng trên vẫn tiếp tục không chia cổ tức như các cổ đông mong đợi.

Minh Quang (tổng hợp)