Theo Sacombank, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng người dân rút tiền trước hạn.
Để tránh nhầm lẫn tên gọi, Sacombank lưu ý khách hàng, cổ đông, đối tác rằng Sacombank và SCB là hai ngân hàng khác nhau. Tên giao dịch của ngân hàng là Sacombank, mã cổ phiếu là STB.
Do tên viết tắt của hai ngân hàng này khá giống nhau nên Sacombank đã phải lên tiếng để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng cũng như nhà đầu tư và đối tác.
Trước đó, từ ngày 7/10/2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.
Về việc này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
NHNN khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
Tính đến 30/09/2021, theo công bố của chính SCB, ngân hàng có vốn điều lệ của là 20.020 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 673.276 tỷ đồng. SCB có 239 điểm giao dịch, phủ khắp 28 tỉnh/thành cùng đội ngũ nhân sự hơn 7.000 người.
Con số cập nhật đến cuối quý II/2022, tổng tài sản của SCB là hơn 760.000 tỷ đồng, lượng tiền gửi của khách hàng hơn 595.440 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay tăng 8% ở mức 389.790 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, lãi trước thuế của riêng ngân hàng mẹ là 682 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng lên tiếng khuyến cáo người dân cần thận trọng với các tin đồn, không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tin đồn tiêu cực về ngành ngân hàng. Tuy nhiên, các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua cho thấy hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn.