Sáng nay, 29/10, tại Kỳ họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật).
Theo đó, ngày 18/10/2024, Chính phủ đã ký Tờ trình số 678/TTr-CP gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trên theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Cụ thể:
Đối với Luật Chứng khoán: Chính phủ đề xuất Hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về: (i) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; (ii) Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; (iii) Hủy bỏ đợt chào bán.
Đối với Luật Kế toán: Nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 2 nhóm mục tiêu chính: Một là áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán; tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kế toán; đơn giản hóa nội dung công tác kế toán, chứng từ kế toán nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của đơn vị kế toán. Hai là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán.
Đối với Luật Kiểm toán độc lập: Nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 3 nhóm mục tiêu chính: (1) Một là tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với Kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế; (2) Hai là nâng cao chất lượng Kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế; (3) Ba là mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý Nhà nước và ra quyết định.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước: Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ.
Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chi ngân sách Nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên như chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án; chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác, bao gồm (i) Bổ sung quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan; (ii) Bổ sung quy định việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; việc quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định có liên quan, không phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với Luật Quản lý thuế: Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về: (i) Mức tiền phải trả lãi; (ii) Thẩm quyền quyết định hoàn thuế; (iii) Nguyên tắc quản lý thuế; (iv) Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; (v) Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; (vi) Quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.
Đối với Luật Dự trữ quốc gia: Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong các trường hợp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã sử dụng nguồn gạo dự trữ quốc gia để làm quà tặng (viện trợ nước ngoài) và chuyển thẩm quyền quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ Ủy ban thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ, đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 nội dung tại Luật Dự trự quốc gia, cụ thể: Bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước; Sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng chính phủ quyết định ngân sách Trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh: Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật với các lý do như đã nêu tại Tờ trình số 678/TTr-CP của Chính phủ để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực Nhà nước, ngoài Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK): Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí bổ sung thao túng TTCK là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK quy định tại Điều 12 của Luật hiện hành. Quy định này thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 211 của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị cần rà soát, bổ sung quy định các hành vi được coi là thao túng TTCK khi được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền, tránh trường hợp quy định tại luật các dấu hiệu về hành vi bị nghiêm cấm có tính chất tương đồng với các hoạt động nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán, các thành viên thị trường, nhà đầu tư khi tham gia thị trường.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 71 Luật Kế toán: Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 71 Luật Kế toán mới chỉ liệt kê các nhiệm vụ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị kế toán tại địa phương là không cần thiết và không phù hợp với mục tiêu, nội dung chính sách đề ra là tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương.
Về những người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán: Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị rà soát quy định về những người phải ngừng hành nghề kiểm toán” tại khoản 2 Điều này, làm rõ việc ngừng hành nghề kiểm toán hoàn toàn hay ngừng có thời hạn. Quy định bổ sung khoản 2 Điều 16 như đề xuất vẫn chưa bao quát đầy đủ các trường hợp.
Về quy định liên quan thay đổi kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán: Cơ quan thẩm tra cho rằng, để tạo sự linh hoạt và quy định phù hợp với thực tiễn, đặc thù của các ngành, lĩnh vực khác nhau, đề nghị cân nhắc bổ sung theo hướng kiểm toán viên hành nghề phải có thời gian tạm dừng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính sau 5 năm liên tục ký báo cáo kiểm toán của một đơn vị kiểm toán.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) về việc bổ sung quy định các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về ngân sách Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan: Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, trường hợp Chính phủ nhận thấy cần rút ngắn quy trình trình Quốc hội thì cần đề xuất phương án giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền xem xét, bổ sung danh mục trong thời gian giữa 2 Kỳ họp đồng thời với việc phân bổ vốn NSNN cho các dự án mới và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.
Về bổ sung điểm d khoản 9 Điều 9 Luật NSNN về chính sách sử dụng NSĐP hỗ trợ cơ quan cấp trên đóng trên địa bàn hoặc địa phương khác: Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí việc cho phép sử dụng vốn đầu tư của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trên địa bàn; hỗ trợ địa phương khác cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có tính chất vùng, liên vùng và công trình hạ tầng quan trọng khác, song đề nghị cần bổ sung thêm điều kiện là các địa phương khi hỗ trợ phải bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách địa phương; không làm ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn thuộc trách nhiệm của địa phương.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại cơ quan Nhà nước: Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật vì theo báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo, tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị rất đa dạng, phong phú về chủng loại, giá trị; tần suất sử dụng tài sản ở mỗi cơ quan, đơn vị cũng như điều kiện thời tiết, môi trường ở mỗi vùng là khác nhau, ảnh hưởng tới khả năng duy trì công năng, thời gian sử dụng của tài sản. Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về thẩm quyền quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công.
Về thẩm quyền phê duyệt việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết: Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành và cho rằng, việc sửa đổi này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Một số ý kiến đề nghị không thay đổi thẩm quyền phê duyệt Đề án vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết các tài sản do nhà nước giao và do NSNN đầu tư như nội dung dự thảo nêu.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế về quản lý thuế đối với thương mại điện tử: Tại khoản 4 Điều 42 theo hướng bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số và thay vào đó sử dụng cụm từ “ở nước ngoài”: Uỷ ban Tài chính - Ngân sách không nhất trí với đề xuất sửa đổi này, vì “Cơ sở thường trú” là một khái niệm quan trọng đã được thống nhất sử dụng trong các Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để xác định quyền tài phán về thuế giữa các quốc gia. Khái niệm này là cơ sở để xác định một đối tượng nộp thuế trong nước, phải thực hiện các quy định đăng ký kinh doanh và nộp các loại thuế trong nước.
Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế về hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp xuất cảnh: Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về tác động của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này trên thực tế để cân nhắc phương án quy định phù hợp, bảo đảm hiệu quả cưỡng chế và tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết hoặc chưa nên sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay. Trong trường hợp nhất thiết cần sửa nội dung này, đề nghị Chính phủ trên cơ sở đánh giá việc thực hiện thời gian qua, cân nhắc bổ sung quy định về mức ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh một cách phù hợp.
Về đề nghị bổ sung quy định cho phép xuất hàng dự trữ quốc gia để phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước: Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí bổ sung quy định về việc cho phép xuất hàng dự trữ quốc gia để phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước vào Luật Dự trữ quốc gia. Việc bổ sung nội dung này ở các Điều 3, khoản 1, khoản 2 Điều 35 Luật Dự trữ quốc gia là phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện.
PV/quochoi.vn (t/h)