Trong đó có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 3,7 tỷ USD, giảm 16,2% về số lượt dự án nhưng tăng 26,8% về vốn tăng thêm so cùng kỳ năm 2019.
 

Vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh trong 6 tháng đều tăng nhờ thu hút được các dự án quy mô lớn hàng tỷ USD. Riêng dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD (chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới) đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên gần 6 triệu USD trong năm 2020.

 

Tương tự, vốn điều chỉnh tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam của nhà đầu tư Thái Lan tại Bà Rịa-Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.

 

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) một lần nữa khẳng định trong tháng 6 năm 2020, cả nước đã thu hút được 1,79 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 14,9% so với tháng 5/2020. Trong đó có 206 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 997,1 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 51% so với tháng 5/2020.

 

Quy mô dự án cũng tăng đáng kể (đạt 4,8 triệu USD/dự án) với sự xuất hiện một số dự án sản xuất quy mô lớn (trên 200 triệu USD). Dự án lớn nhất được cấp phép trong tháng 6 là Dự án Nhà máy dệt kim tại Khu công nghiệp Texhong Hải (Hong Kong), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh.

 

Có số vốn lớn thứ 2 là Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng.

 

Dự án Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 48,8 triệu USD với mục tiêu sản xuất bộ dây diện dùng cho ô tô tại tỉnh Vĩnh Long.

 

Như vậy, sau sự sụt giảm nhiều tháng trước, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam trong tháng 6/2020 đã tăng trở lại. Quy mô dự án đầu tư mới cũng tăng đáng kể và xuất hiện một số dự án sản xuất quy mô lớn.

 
 

Theo đánh giá của ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) đánh giá, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực, vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt.

 
 

Do dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn khiến vốn thực hiện của các dự án FDI vẫn tiếp tục xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm, nhưng đã có cải thiện so các tháng trước đó. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 8,65 tỷ USD, bằng 95,1% so với cùng kỳ.

 

Hơn nữa, dịch bệnh vẫn phức tạp nên việc đi lại của các nhà đầu tư khó khăn cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án FDI vẫn còn bị ảnh hưởng. Số dự án mới và điều chỉnh vốn đều giảm so với cùng kỳ, nhất là các dự án đăng ký mới.

 

Vốn FDI không như kỳ vọng về một cuộc dịch chuyển sản xuất và đầu tư khỏi Trung Quốc thì FDI sẽ vào Việt Nam như một làn sóng mới.

 
 
 

Dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên, song vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó.

 
 

Nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 70,4% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Về làn sóng FDI, ông Phạm Đình Thúy thận trọng, chưa có bằng chứng rõ ràng về sự chuyển dịch dòng vốn trên thế giới do tác động kép từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam có thể là điểm đến mới.

 
 

Ông Phạm Đình Thúy cho rằng, các DN có chuỗi giá trị toàn cầu đều phải lo chống dịch COVID-19. Vì thế hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn lớn chủ yếu đều nằm trên giấy hoặc vẫn ở trong suy tính, chưa thực hiện được nên chưa có số lượng cụ thể.

 

Về các chính sách ưu đãi  về thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ thì thực tế không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia cạnh tranh FDI khác như khác như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… đang áp dụng, ngay cả các quốc gia sở tại cũng đang đưa ra nhiều chính sách để níu kéo nhà đầu tư ở lại.

 
 

“Việc chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác không đơn giản vì nhà đầu tư sẽ phải xem xét, cân nhắc các chi phí liên quan đến chuyển giao tài sản, kể cả những ưu đãi được hưởng ở quốc gia sẽ đầu tư. Với DN sản xuất, sự dịch chuyển có thể mất từ  2 đến 5 năm do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện”, ông Phạm Đình Thuý nói.

 
 

Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam không chỉ dùng ưu đãi, dựa vào lợi thế vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ nên Việt Nam cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế, để thu hút FDI có chất lượng.

 

Tổng cục Thống kê cũng tính toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Tuy nhiên, đáng chú ý, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 6 và 6 tháng đầu năm đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN tháng 6 so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020: Năm 2016 tăng 10,5%, năm 2017 tăng 8,4%, năm 2018 tăng 10,2%, năm 2019 tăng 4,4%,  năm 2020 tăng 28,5%.

 

Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

 

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý II/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 7,8%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 4,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,4%.

 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 33% GDP.

 

Bao gồm, vốn khu vực Nhà nước đạt 273,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 375,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% và tăng 4,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 200,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,6% và giảm 3,8%.

 
 

Vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ NSNN thực hiện 6 tháng ước tính đạt 154,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,1% kế hoạch năm và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Anh Minh