Quảng Ninh: Tổng vệ sinh môi trường toàn tỉnh vào 2 ngày thứ 7, chủ nhật (14-15/9)

Để khắc phục ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, sớm đưa hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2651/UBND-QHTN&MT về việc thực hiện tổng vệ sinh môi trường (VSMT) và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường (BVMT) sau ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương thực hiện những nội dung sau: Phát động, kêu gọi toàn bộ nhân dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và huy động các phương tiện, thiết bị của các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương tranh thủ thứ 7, chủ nhật (ngày 14, 15/9) thực hiện tổng VSMT, dọn dẹp, thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn cồng kềnh, cây xanh gãy đổ tại các khu dân cư, ngõ xóm, thôn bản, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, trụ sở cơ quan, văn phòng, trên các tuyến đường giao thông, trên các sông, suối, bến cảng, trên biển...

Nhiều người nước ngoài cùng nhân dân tham gia dọn dẹp vệ sinh sau bão tại TP Hạ Long.Nhiều người nước ngoài cùng nhân dân tham gia dọn dẹp vệ sinh sau bão tại TP Hạ Long.

Trong quá trình tổng vệ sinh, hướng dẫn các phường, xã, tổ dân, khu phố, người dân về việc tập kết chất thải rắn sinh hoạt không để lẫn với chất thải rắn cồng kềnh, chất thải xây dựng tại vị trí đã được địa phương quy định để thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển đi xử lý.

Các địa phương quyết tâm hoàn thành công tác tổng vệ sinh môi trường trước ngày thứ 2 (ngày 16/9) theo phương châm “sạch nhà, sạch ngõ, sạch nơi cư trú và nơi làm việc” để đưa cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân đi vào trạng thái bình thường.

Để giảm tải cho hạ tầng xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn, nâng cao năng lực xử lý chất thải, các địa phương, đơn vị sản xuất kinh doanh phối hợp với các cơ sở sản xuất xi măng (có chức năng đồng xử lý chất thải) hoặc các cơ sở sản xuất dăm gỗ trên địa bàn tỉnh để chuyển giao chất thải là các cây xanh bị gãy đổ, các chất thải cồng kềnh để tái chế, cùng xử lý.

Đồng thời chỉ đạo các đơn vị đang quản lý, vận hành các khu xử lý chất thải trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, gia cố lại các công trình khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng, không để sạt lở, phát tán chất thải ra khu vực xung quanh; tăng cường hướng dẫn và tuyên truyền đến người dân về xử lý xác vật nuôi, gia súc, gia cầm bị chết do ảnh hưởng lũ, lụt, ngập úng đảm bảo VSMT...

Đối với các địa phương có biển hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy, hải sản thu gom, tập kết các lồng, bè, phao nhựa bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để xem xét sử dụng lại hoặc có phương án vận chuyển, xử lý khi không còn khả năng tái sử dụng.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc; các nhà máy xi măng, cơ sở sản xuất dăm gỗ, chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cần phải tăng cường công tác khắc phục vệ sinh môi trường sau bão số 3 tại đơn vị cũng như chung tay cùng với tỉnh trong việc khắc phục ảnh hưởng vệ sinh môi trường do mưa bão.

Ngành Than chung tay cùng với tỉnh trong việc khắc phục ảnh hưởng VSMT do mưa bão.Ngành Than chung tay cùng với tỉnh trong việc khắc phục ảnh hưởng VSMT do mưa bão.

Các đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng của các công trình xử lý chất thải, các công trình bảo vệ môi trường để kịp thời sửa chữa, khắc phục, đảm bảo vận hành đồng bộ, có hiệu quả các công trình xử lý khi hoạt động sản xuất trở lại; tăng cường kiểm tra, ứng trực vận hành tại các trạm xử lý nước thải, hệ thống xử lý khí thải; bổ sung đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất dự phòng để đảm bảo các công trình xử lý chất thải được vận hành thường xuyên, liên tục trong quá trình sản xuất, không xả thải chất thải chưa được xử lý ra ngoài môi trường.

Đối với các cơ sở lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục nước thải, khí thải, thực hiện kiểm tra, rà soát đối chiếu các đặc tính kỹ thuật của hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đảm bảo theo quy định trước khi đưa vào vận hành trở lại. Trường hợp hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục bị sự cố, hư hỏng chưa thể đưa vào vận hành ngay để quan trắc giám sát chất lượng môi trường, các chủ cơ sở cần thực hiện quan trắc giám sát chất lượng môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần vận động các doanh nghiệp trong Hiệp hội đồng hành, hỗ trợ, cùng chung tay với chính quyền địa phương, người dân trong việc dọn dẹp, VSMT khu vực trên bờ, ven biển, trên biển, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, khắc phục hậu quả do bão và mưa lũ sau bão; chỉ đạo các đơn vị đang quản lý vận hành các khu xử lý chất thải trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, gia cố lại các công trình khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng không để sạt lở phát tán chất thải ra khu vực xung quanh.

Trần Trang(t/h)