Trong tương lai, thành phố này sẽ đóng vai trò là đô thị hành chính, kinh tế quan trọng của khu vực miền Trung. Đó là nội dung được đưa ra tại Hội nghị về Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức vào chiều nay 21/11.
Theo nội dung Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh Quảng Nam sẽ hướng đến mô hình cấu trúc không gian phát triển “2 vùng, 3 cửa ngõ, 3 cụm động lực, 8 hành lang phát triển”. Trong đó, tỉnh Quảng Nam phát triển không gian thành 2 vùng Đông – Tây và 3 cửa ngõ: Khu kinh tế mở Chu Lai - Đô thị Di sản thế giới Hội An - Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang. Vùng miền núi phía Tây được xác định là vùng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, vùng nguyên liệu, nông, lâm và dược liệu tầm quốc gia và là cửa ngõ giao thương kinh tế, thương mại và du lịch giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông - Bắc Thái Lan. Vùng Đông Quảng Nam với 9 huyện, thị xã, thành phố là vùng động lực với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, dịch vụ, công nghiệp sạch, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Tổ chức không gian phát triển tỉnh Quảng Nam dựa theo các hàng lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vùng Đông tỉnh Quảng Nam là khu vực tập trung các đô thị lớn và trung tâm hành chính. Trong đó, Hội An sẽ trở thành đô thị di sản du lịch, giao lưu quốc tế; đô thị Điện Bàn là không gian phát triển khoa học – công nghệ - đổi mới sáng tạo và thành phố Tam Kỳ được quy hoạch trở thành đô thị hành chính, kinh tế quan trọng của khu vực miền Trung.
“Phát triển mạnh đô thị Tam Kỳ trên cơ sở không gian hợp nhất của thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, mở rộng không gian tại các đô thị hiện hữu, hình thành các khu đô thị chức năng như đô thị hành chính, đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị công nghiệp, đô thị cảng biển, đô thị sân bay, đô thị giáo dục. Giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên", ông Lê Trí Thanh nói.
Tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, ưu tiên các hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng Đông – Tây, sân bay, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, hạ tầng đô thị và hạ tầng trọng yếu của nông thôn. Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, trung tâm phát triển năng động, toàn diện của vùng động lực kinh tế miền Trung./.