UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CB-CC-VC-NLĐ) trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Bộ quy tắc được ban hành nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CB-CC-VC-NLĐ; đảm bảo tính chuyên nghiệp, liêm chính, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng; là căn cứ để nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của CB-CC-VC-NLĐ…
Bộ quy tắc này quy định về quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong thực thi công vụ, ứng xử trong các mối quan hệ xã hội.
Theo đó, quy tắc ứng xử chung quy định về thời gian làm việc, trang phục, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật của CB-CC-VC-NLĐ. Trong đó, một số yêu cầu đáng chú ý như giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương; có tinh thần cầu thị, lắng nghe; trung thực, thẳng thắn, khách quan trong báo cáo, đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến với cấp trên; không phát tán, tung tin, bịa đặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; không lạm dụng, không có hành vi quấy rối người khác dưới mọi hình thức…
Quy tắc ứng xử chung trong thực thi công vụ, nhiệm vụ đề cập những việc CB-CC-VC-NLĐ phải làm và không được làm.
Những việc CB-CC-VC-NLĐ phải làm là: tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích rõ ràng những thắc mắc của tổ chức và công dân; thực hiện "4 xin, 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ…
Những việc CBCCVC-NLĐ không được làm là: sa vào các tệ nạn xã hội dưới mọi hình thức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cá nhân, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để giải quyết công việc nhằm trục lợi cá nhân, gia đình hoặc người thân (như vay, mượn, hứa hẹn, chạy việc, chạy dự án, đề án...) để chiếm dụng tiền hoặc tài sản của người khác làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân.
Có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách người dân, gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu hoặc nhận giải quyết công việc bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc để trục lợi cá nhân; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, vướng mắc của tổ chức và công dân.
Từ chối các yêu cầu đúng pháp luật của người cần được giải quyết theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; làm mất, hư hỏng hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu của tổ chức và công dân khi được giao nhiệm vụ giải quyết…
Bộ quy tắc cũng quy định về ứng xử của CB-CC-VC tại cơ quan, đơn vị đối với người giữ chức vụ quản lý và không giữ chức vụ quản lý.
Đối với CB-CC-VC giữ chức vụ quản lý, cần đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; không lợi dụng vị trí công tác để trục lợi cá nhân. Chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp. Công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá CB-CC-VC-NLĐ thuộc quyền quản lý; nắm bắt kịp thời tâm lý, tạo sự công bằng và phát huy dân chủ của CB-CC-VC-NLĐ khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới…
Đối với CBCCVC-NLĐ không giữ chức vụ quản lý, không được bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức; không cãi nhau, xung đột dẫn đến xô xát nơi cơ quan, công sở…
Về ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, bộ quy tắc quy định về cách ứng xử tại nơi công cộng, nơi cư trú và trong gia đình. Trong đó, yêu cầu CB-CC-VC-NLĐ phải gương mẫu, chuẩn mực, không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi tham gia các hoạt động xã hội để tiếp tay hoặc bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật…