Theo Bloomberg, Qatar đã gây tranh cãi ngay từ khi giành quyền đăng cai FIFA World Cup 2022 vì thời tiết khắc nghiệt và những thách thức về logistics. Đất nước chỉ có một sân vận động cũ kỹ, một vài khách sạn và kinh nghiệm du lịch đại chúng bằng 0.

Qatar không có gì ngoài một khoản tiền khổng lồ. 12 năm sau khi giành quyền đăng cai giải đấu, với 300 tỷ USD, quốc gia nhỏ bé này đã có thêm 7 sân vận động, 20.000 phòng khách sạn, một tuyến metro và hơn 1.770 km đường mới.

Đó là thành quả của một thập kỷ đầu tư và xây dựng không ngừng nghỉ. Câu hỏi đặt ra là ván cược hàng trăm tỷ USD của Qatar có xứng đáng hay không.

Không thu lại được gì nhiều

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Lausanne, từ năm 1964 đến 2018, 31 trong số 36 sự kiện thể thao lớn (chẳng hạn World Cup hoặc Thế vận hội mùa hè và mùa đông) đều lỗ nặng.

Trong số 14 kỳ World Cup, chỉ duy nhất một kỳ có lãi. World Cup 2018 được tổ chức tại Nga đã đem về cho nước chủ nhà khoản lời 235 triệu USD nhờ vào thỏa thuận khổng lồ về bản quyền phát sóng. Nhưng con số đó cũng không đáng kể.

FIFA sẽ trả gần như tất cả chi phí vận hành giải đấu, khoảng 1,7 tỷ USD. Nhưng Qatar còn phải chịu thêm những chi phí sau khi World Cup kết thúc, phần lớn liên quan tới việc tháo dỡ các sân vận động.

Chính quyền Qatar đã vạch ra kế hoạch tháo dỡ và tặng một phần sân vận động cho các nước láng giềng. Sân vận động 974 được làm từ 974 container có thể rời đi nơi khác và tái sử dụng.

FIFA anh 3

Bên ngoài sân vận động 974 ở thủ đô Doha, Qatar hôm 5/12. Ảnh: AP.

FIFA anh 4

Nhiều dự án tại Qatar chưa được hoàn thiện dù World Cup đã kết thúc. Ảnh: Bloomberg.

Những sân vận động khác sẽ bị giảm sức chứa. "Công việc đó rất tốn kém. Một số sân vận động không được sử dụng, gây lãng phí đất và tốn tiền bảo trì", ông Andrew Zimbalist - giáo sư kinh tế tại Đại học Smith - bình luận.

Theo ông, chi phí của Qatar do đó sẽ còn tăng hơn nữa. 6 trong số các sân vận động tại nước này vẫn được giữ lại sau World Cup, với sức chứa 20.000-45.000 người.

Theo chính quyền Qatar, sân vận động Lusail, với sức chứa 80.000 người, sẽ được chuyển đổi thành không gian cộng đồng với trường học, quán cafe và phòng khám sức khỏe. Đây là nơi diễn ra trận chung kết giữa đội tuyển quốc gia Argentina và Pháp hôm 18/12.

Ông Zimbalist cho rằng ngoài sân vận động, các dự án cơ sở hạ tầng như sân bay là những khoản đầu tư đáng giá. "Một số cải tiến về cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ World Cup, nhưng vẫn sẽ được sử dụng về lâu dài", ông nói thêm.

FIFA thu tất cả tiền bản quyền truyền hình, doanh thu bán vé và gần như toàn bộ tiền tài trợ

Ông Andrew Zimbalist - giáo sư kinh tế tại Đại học Smith

Tuy nhiên, với khoản tiền khổng lồ đổ vào World Cup, vị giáo sư tin rằng Qatar thu lại rất ít. Gần như mọi doanh thu do giải đấu tạo ra đều thuộc về FIFA.

"FIFA thu tất cả tiền bản quyền truyền hình, doanh thu bán vé và gần như toàn bộ tiền tài trợ", ông nhận xét.

FIFA dự báo thu về 4,7 tỷ USD, phần lớn trong số đó đến từ kỳ World Cup ở Qatar. Với chi phí hoạt động khoảng 1,7 tỷ USD, cơ quan này có thể rời đi với doanh thu ròng 3 tỷ USD. "Còn Qatar thì thua lỗ", ông Zimbalist chia sẻ.

Câu hỏi đặt ra là liệu World Cup có mang lại lợi ích kinh tế tiềm năng cho Qatar trong dài hạn. IPA Qatar - cơ quan xúc tiến đầu tư của đất nước - cho rằng sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp thể thao có thể giúp Qatar thu hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Nhưng theo phân tích của Investment Monitor, FDI ở các nước chủ nhà của 3 kỳ World Cup gần nhất - Nga, Brazil và Nam Phi - đều giảm trong vài năm sau giải đấu.

"Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn giúp thúc đẩy FDI", ông Zimbalist lập luận.

Ông thậm chí còn hoài nghi về việc Qatar có thể thúc đẩy du lịch nhờ World Cup. Phòng Thương mại và Công nghiệp Qatar đã tuyên bố rằng nước này sẽ đón 6,24 triệu khách du lịch vào năm 2028, với chi tiêu đạt 28 tỷ USD, tăng trung bình 9,1% mỗi năm.

Nhưng ông Zimbalist cho rằng dựa vào câu chuyện của những nước chủ nhà khác, rất ít bằng chứng cho thấy World Cup sẽ thúc đẩy du lịch một cách bền vững.

Cải thiện hình ảnh

Ông John McManus - tác giả cuốn Inside Qatar - thừa nhận rằng rất khó để Qatar thu được lợi ích kinh tế đáng kể từ World Cup. Nhưng so với các nước chủ nhà trước đó, Qatar có thể hưởng lợi nhờ được cải thiện hình ảnh trên thế giới.

"Tôi tin rằng nhiều người chưa từng nghe tới Qatar trước khi nước này giành quyền đăng cai World Cup", ông nhận định.

"Việc đăng cai World Cup sẽ giúp củng cố hình ảnh của Qatar", ông Giorgio Cafiero - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn rủi ro Gulf State Analytics (có trụ sở tại Washington) - bình luận.

"Sự kiện sẽ thể hiện Qatar là một nước có tư duy cầu tiến, tiến bộ, hướng ngoại và cam kết gắn kết người với người", ông nói thêm.

Thập kỷ tới là giai đoạn then chốt với các nước phụ thuộc vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch như Qatar. Nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã xác định năm 2023 là thời điểm bắt đầu giảm mức tiêu thụ năng lượng. Một số nước cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm các giải pháp thay thế để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Trong ngắn hạn, những quốc gia như Qatar sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine. Là một trong những nước xuất khẩu LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) hàng đầu, Qatar có thể kiếm bộn từ nhu cầu ngày càng gia tăng của châu Âu.

Nhưng xung đột cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các quốc gia nhập khẩu dầu khí về an ninh năng lượng, thúc đẩy họ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Và Qatar muốn cải thiện hình ảnh, để thế giới không chỉ nhớ tới họ như một quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch.