Cái gì luật không cấm thì nên để ngân hàng tự chủ

Ngày 19/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức họp, lấy ý kiến các hội viên, góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

luat-khong-cam-1658317093.jpg
T.S Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Quỳnh Lê

Thông tư 39/2016/TT-NHNN: Văn bản "xương sống" của hoạt động cho vay

Phát biểu khai mạc, T.S Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá Thông tư 39 là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đây được coi như một văn bản “xương sống” đối với hoạt động cho vay khách hàng của các tổ chức tín dụng.

Qua 6 năm triển khai, Thông tư 39 đã tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay. Song đến nay đã có nhiều đổi mới trong phương thức cho vay, nên nhiều quy định tại Thông tư không còn phù hợp. 

Chính vì vậy, việc sửa đổi Thông tư 39 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình hoạt động. Việc ban hành Thông tư nói chung cần phải đối chiếu với các Bộ luật và Luật khác (như Luật Hôn nhân & Gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản…..) sao cho phù hợp.

“Các TCTD cần rà soát, đánh giá, đối chiếu với thực tiễn, với các quy định pháp luật liên quan để trong quá trình cho vay còn phải đối diện với các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án… để bảo vệ quyền lợi cán bộ. 

Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi không phải ban hành thông tư chỉ để thực hiện mà còn phải đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan khác”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Việc ban hành thông tư cần phù hợp với thực tiễn, tầm nhìn dài hạn. Những vấn đề nào mà pháp luật không cấm thì nên cho phép triển khai để các TCTD không bị hạn chế trong hoạt động kinh doanh. Cần đánh giá tổng thể việc sửa đổi thông tư thì các TCTD được gì, hoạt động kinh doanh có tốt hơn không. “Thậm chí chúng ta cần xem xét việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành thông tư mới thay thế?”, ông Hùng bày tỏ.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Ban Pháp chế Vietcombank, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) cho biết, ngoài các nội dung của dự thảo sửa đổi, còn một số vấn đề mà Hiệp hội Ngân hàng khác đề nghị Ban soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) xem xét sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 39 như: Quy định về lãi chậm trả; về cho vay khách hàng là người không cư trú; về cung cấp báo cáo tài chính; về cho vay bằng phương thức điện tử….. 

Sửa đổi thông tư "xương sống" của hoạt động cho vay: Cái gì luật không cấm thì nên để ngân hàng tự chủ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phương, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) báo cáo tại cuộc họp.

Tạo điều kiện thông thoáng, "mở" nhất cho các ngân hàng

Góp ý kiến tại cuộc họp, ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT Vietcombank, đại diện Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, thông tư nên có các quy định khung, giảm thiểu các quy định quá chi tiết, tạo điều kiện thông thoáng, “mở” nhất đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD, trong phạm kiểm soát rủi ro hệ thống, phát triển bền vững. 

Bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng, đại diện ngân hàng Vietinbank cũng cho rằng, những vấn đề gì pháp luật không cấm thì nên tạo điều kiện cho các TCTD chủ động triển khai linh hoạt. 

Đối với quy định liên quan đến nội dung cho vay góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa, đại diện Vietinbank cho đây là nhu cầu chính đáng và cần thiết của khách hàng, người dân trong nền kinh tế.

Hiện nay pháp luật hiện hành hoàn toàn không có quy định nào về việc cấm cho vay mua bất động sản/hàng hóa. Thực tế mua bất động sản đa phần nguồn vốn phải vay ngân hàng tới 80% nhưng việc giải ngân sẽ có độ trễ nên khách thường huy động từ nguồn khác sau đó ngân hàng giải ngân bù đắp khoản này, vì thế ban soạn thảo nên cân nhắc quy định này. 

Đại diện Vietinbank cũng không đồng tình với việc “quy” trách nhiệm cho các TCTD trong việc kiểm soát nguồn vốn đã giải ngân, mà điều này là trách nhiệm của khách hàng (người vay vốn).

Đại diện ngân hàng MSB cũng cho rằng, Thông tư nên quy định khung chung để các TCTD căn cứ tình hình thực tế, áp dụng theo các quy định khác của pháp luật để triển khai hoạt động kinh doanh. Trong quá trình triển khai, cơ quan quản lý nhà nước xét thấy có “vấn đề” thì có văn bản nhắc nhở, cảnh báo. Tránh tình trạng những gì pháp luật không cấm mà các TCTD lại không được làm.

Cần "mở đường" để ứng dụng CNTT trong hoạt động cho vay

Liên quan tới cho vay bằng phương thức điện tử, đại diện ngân hàng Techcombank cho rằng, dự thảo Thông tư cần có quy định cụ thể, “mở đường” để ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình cho vay bởi không thể làm thủ công được, cản trở quá trình phát triển.

Đại diện Techcombank cũng cho rằng khi hoàn tất quy trình cho vay trên máy tính rồi lại phải in ra giấy, ký tá và lưu nội bộ là “rất lãng phí, mất thời gian, đó là tụt hậu so với thị trường”.

Đối với việc kiểm soát mục địch sử dụng vốn, người đi vay (khách hàng) phải chịu trách nhiệm lớn nhất và đầu tiên, chứ không phải dồn trách nhiệm cho ngân hàng (cán bộ cho vay).

Đại diện ngân hàng Standard Chartered cho biết, hoạt động cho vay trên nền tảng công nghệ là “không biên giới”. Chính vì thế không thể lấy quy định cho vay truyền thống để áp dụng vào phương thức điện tử và nên “trao quyền” cho các TCTD tự chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý (NHNN) chỉ cần áp dụng tỷ lệ nợ xấu nhất định, chứ không cần thiết áp quy định về hồ sơ, thủ tục…. bởi như thế sẽ hạn chế hoạt động cho vay. Khách hàng vay 10 triệu không thể áp quy định, quy trình đối với khoản vay 100 tỷ đồng”.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó TGĐ Công ty FE Credit, Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng đối với quy trình thẩm định cho vay bằng phương thức điện tử cần nhanh gọn, nhất là đối với các khoản vay tiêu dùng, các khoản vay nhỏ, giảm thiểu thủ tục để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được vốn.

Cơ quan quản lý cần trao quyền cho các TCTD chủ động triển khai trên cơ sở đảm bảo an toàn theo quy định. Việc kê khai hồ sơ do khách hàng tự chịu trách nhiệm chứ không nên yêu cầu TCTD phải thu thập hồ sơ, dữ liệu. Thậm chí bên cho vay có thể sử dụng dữ liệu của bên thứ 3 trong việc thẩm định hồ sơ khách hàng.

Sửa đổi thông tư "xương sống" của hoạt động cho vay: Cái gì luật không cấm thì nên để ngân hàng tự chủ - Ảnh 3.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các hội viên Hiệp hội Ngân hàng.

Dự kiến ban hành trong năm 2022

Tiếp thu và giải đáp thắc mắc của một số TCTD, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá báo cáo kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng rất cô đọng, đầy đủ.

Theo bà Hằng, Ngân hàng Nhà nước xuyên suốt quan điểm ban hành khung, đưa nguyên tắc tắc cơ bản để các TCTD căn cứ tự đưa ra các quy định nội bộ phù hợp với từng TCTD và từng nhóm khách hàng, từng khẩu vị rủi ro.

Ghi nhận những phản ánh về nhiều nội dung của thông tư 39 chưa theo kịp thị trường, nhất là đối với hoạt động cho vay phương thức điện tử, bà Hằng cho biết thông tư 39 sẽ sửa đổi, bổ sung đưa ra khung pháp lý chung để các TCTD áp dụng, tránh rủi ro (nếu có) sau này. 

Bà Hằng thừa nhận cũng có những bất cập trong việc xây dựng dự thảo đó là nhiều nội dung của Luật các tổ chức tín dụng được đưa vào thông tư 39, nhưng một số nội dung này hiện nay cũng còn bấp cập nhưng Luật đang có hiệu lực nên vẫn phải áp dụng, dù những ý kiến của các TCTD kiến nghị là xác đáng. 

Chính vì thế, ban soạn thảo tiếp tục rà soát tiếp các nội dung khác. Trong năm 2022 dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo để thông tư sớm được ban hành.

Sửa đổi thông tư "xương sống" của hoạt động cho vay: Cái gì luật không cấm thì nên để ngân hàng tự chủ - Ảnh 4.

Cái gì pháp luật không cấm thì nên để các TCTD tự chủ

Cái gì pháp luật không cấm thì nên để các ngân hàng tự chủ

Kết luận hội nghị, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tiếp tục nhấn mạnh, Thông tư 39 là một văn bản "xương sống" có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của các TCTD và đến thời điểm cần sửa đổi.

Tuy nhiên, ban soạn thảo cần xem xét thời điểm ban hành thông tư 39 sao cho phù hợp bởi hiện nay một số Luật như Luật Giao dịch điện tử, Luật các tổ chức tín dụng, cơ chế thử nghiệm sandbox cho Fintech… vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Đối với vấn đề việc kiểm soát vốn vay đã giải ngân mà các hội viên kiến nghị, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng không thể quy trách nhiệm cho ngân hàng mà đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng (người vay vốn) sử dụng nguồn vốn đó như thế nào sao cho hiệu quả, đúng mục đích.

Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị ban soạn thảo xem xét khi sửa đổi Thông tư 39 thì Thông tư 43 sẽ sửa đổi thế nào để có chính sách phù hợp, tăng khả năng tiếp cận vốn, nhất là những người yếu thế nhằm đẩy lùi “tín dụng đen”.

Đối với giao dịch điện tử trong hoạt động cho vay, cần xem xét có 01 Chương của Thông tư quy định về vấn đề này. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, hiện nay công cuộc chuyển đổi số ở các TCTD diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng. Chính vì thế, cái gì pháp luật không cấm thì nên để các TCTD tự chủ, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát và có văn bản cảnh báo rủi ro./. 

Link nội dung: https://ktxh.com.vn/cai-gi-luat-khong-cam-thi-nen-de-ngan-hang-tu-chu-a23070.html