Sau giai đoạn tăng “ồ ạt” kéo dài từ đáy COVID đến cuối tháng 1/2021, thị trường chứng khoán dần trở nên khó chơi hơn khi các nhóm cổ phiếu phân hóa ngày càng rõ rệt. Đã qua thời “cứ mua là thắng”, nhà đầu tư buộc phải lựa chọn kỹ lưỡng trước mỗi quyết định xuống tiền nếu không muốn bị chôn vốn mất cơ hội, thậm chí thua lỗ.
Với gần 1.700 mã trên cả 3 sàn, tìm được đúng cổ phiếu để “chọn mặt gửi vàng” thật sự không dễ dàng. “Đúng cổ phiếu” thực tế có khái niệm rất khác nhau đối với hai trường phái đầu tư và đầu cơ.
Nhà đầu cơ mua cổ phiếu với kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh trong ngắn hạn mà không quá quan tâm đến các yếu tố cơ bản. Ngược lại, nhà đầu tư lại nhìn vào khả năng sinh lời trong dài hạn dựa trên khả năng tăng trưởng của ngành và nội tại doanh nghiệp.
Do đó, nhà đầu tư thường hướng đến các lĩnh vực có triển vọng tích cực, bền vững trong tương lai. Các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, tình hình tài chính lành mạnh,... được ưu tiên lựa chọn.
Mặt khác, nhà đầu cơ có xu hướng tìm kiếm cơ hội ngắn hạn trên những nhóm ngành “hot trend”. Tiêu biểu thời gian gần đây có thể kể đến như phân bón, cảng biển – hai nhóm ngành được hưởng lợi từ “cơn sốt” giá phân bón và cước vận tải biển. Hay trước đó là nhóm thép với đà tăng phi mã của giá thép toàn cầu trong nửa đầu năm.
Nói như vậy không có nghĩa là các nhóm ngành trên thiếu cổ phiếu “vàng” để đầu tư dài hạn. Các doanh nghiệp đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh,... có thể được cân nhắc. Khi đã chọn đúng cổ phiếu, xác định điểm mua phù hợp thậm chí còn là bài toán nan giải hơn.
Với đặc thù “tăng sốc, giảm sâu” của các con sóng đầu cơ, thật tai hại nếu bạn lướt sóng ngắn hạn nhưng lại vào sai thời điểm. Thị trường từng chứng kiến rất nhiều trường hợp cổ phiếu khi tăng rất “nóng”, người đến sau phải xếp hàng chờ mua trần nhưng đến lúc giảm lại “tắt” thanh khoản, lệnh bán chất đống giá sàn.
Thêm nữa, cơ chế T+3 buộc các nhà đầu cơ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đua lệnh hay bắt đáy. Nếu chọn sai thời điểm, khả năng thua lỗ nặng với các thương vụ đầu cơ là rất lớn. Trong trường hợp này, cắt lỗ “dứt cơn đau sớm” có lẽ là lựa chọn khả dĩ nhất. Khi nước rút, các yếu tố “bơm thổi” ngắn hạn qua đi, các cổ phiếu đầu cơ sẽ có xu hướng trở lại với giá trị thực.
Nếu đã chọn đúng cổ phiếu để nắm giữ lâu dài, sai thời điểm chưa hẳn đã là thảm họa bởi biến động ngắn hạn thường không tác động lớn đến các nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, cổ phiếu giảm quá đà có thể sẽ làm lung lay các luận điểm đầu tư ban đầu. Khi ấy, cắt lỗ hay bình quân giá xuống là lựa chọn không dễ dàng.
Nhà đầu tư nên nhớ rằng đầu tư dài hạn không có nghĩa là “gồng lỗ” dài hạn. Khi triển vọng ngành không còn phù hợp với chu kỳ nền kinh tế, giai đoạn bứt phá đã ở lại phía sau, nhà đầu tư đu đỉnh có thể sẽ phải mất nhiều năm chỉ để “về bờ”.
Ngược lại, nếu các yếu tố vĩ mô vẫn thuận lợi, nhà đầu tư đừng vội vàng cắt lỗ cổ phiếu khi doanh nghiệp vẫn có khả năng tăng trưởng cao. Sau khi được dòng tiền hưng phấn trên thị trường đẩy lên quá cao, việc cổ phiếu điều chỉnh trở lại mức định giá hợp lý là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Về cơ bản, lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong tương lai sẽ dần kéo định giá P/E xuống thấp và rất có thể mức giá nhà đầu tư bỏ ra để mua cổ phiếu là “đắt” ở thời điểm này lại trẻ thành “rẻ” trong vài quý tiếp theo. Vì thế, nhà đầu tư trong trường hợp này có thể chọn cách mua bình quân giá tại một mức phù hợp hơn thay vì cắt lỗ để tránh “cầm vàng lại để vàng rơi”.
Nhìn chung, chọn đúng cổ phiếu, đúng thời điểm vẫn là kịch bản tốt đẹp nhất mà nhà đầu tư đều mong muốn. Tuy nhiên, nếu không may chọn sai thời điểm, nhà đầu tư dài hạn sẽ dễ dàng sửa sai hơn so với đầu cơ lướt sóng
Thanh Hà
Bizlive
NAM NAM
Link nội dung: https://ktxh.com.vn/lam-gi-khi-chon-dung-co-phieu-nhung-sai-thoi-diem-a19271.html