Dân kêu cứu, cơ quan báo chí liên hệ làm việc, cơ quan chức năng “im lặng”?
 
Như thông tin Báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh, liên quan đến việc cấp phép, thu hồi đất tại Dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, thành phố Phú Quốc có nhiều dấu hiệu sai phạm cần được làm rõ như:
Cấp phép dự án vượt quá phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ lên đến hơn 70ha; Điều chỉnh hướng tuyến theo ranh đất đã giao cho nhà đầu tư tiếp tục sai với quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt; Giao đất cho chủ đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu; Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 không đúng thẩm quyền; Đất giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án thể hiện rõ vì mục đích kinh doanh Khu du lịch sinh thái, nhưng lại đứng ra thu hồi với lý do vì lợi ích quốc gia công cộng, đền bù theo khung giá nhà nước bất hợp lý, dẫn đến người dân phản đối, khiếu kiện…
Tuy nhiên đến nay, những dấu hiệu sai phạm trên vẫn chưa có lời giải đáp.
Trao đổi với một số người dân có đất bị thu hồi, phóng viên (PV) được biết: "Chúng tôi (người dân) không phản đối việc thực hiện dự án, luôn ủng hộ mọi chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên việc thành phố Phú Quốc thu hồi đất của chúng tôi để giao cho doanh nghiệp làm dự án đền bù với giá rẻ mạt là không đúng, chúng tôi không đồng ý"…
Phu Quoc: “Ne
 Người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án của CityLand căng băng rôn phản đối
Ông Trần Văn Hích, sinh sống tại ấp 5 Rạch Tràm cho biết: "Nhà tôi 170m, được bồi thường 470 triệu, mà tôi định cư ở đây từ những năm 90. Tôi được 2 cái định cư là 150m. Đất nền thì lại có đến 2 giá, 1 cái 4,3 triệu/m và 1 cái là 4,7triệu/m. Dân nghèo bồi thường được 470 triệu thì tiền đâu mà đóng 2 cái nền này?
Tôi yêu cầu ban bồi thường xem xét lại. Tiền chúng tôi ở đâu mà cất nhà? Chúng tôi đâu có đấu tranh gì? Chúng tôi làm sao mà sống đây? Nếu chúng tôi lãnh tiền rồi thì không có quyền khiếu nại, vì như vậy là đồng ý rồi. Lần nào có thông báo chúng tôi cũng phản đối hết, nhưng chẳng bao giờ được xử lý."
Bà Lê Thị Xá, người có đất bị thu hồi cũng cho hay: "Chúng tôi, những gia đình nông dân chân lấm tay bùn, chịu nhiều thiệt thòi, rất đau đớn khi mất đi mảnh đất, khu vườn, buộc phải rời xa vĩnh viễn cái nơi đã gắn bó như máu thịt suốt hàng chục năm. Đã vậy, chúng tôi không được bồi thường mà chỉ nhận hỗ trợ số tiền ít ỏi, khiến cho cuộc sống khó càng thêm khổ.
Do đó, rất mong lãnh đạo UBND TP. Phú Quốc quan tâm đến các hộ gia đình bị mất đất, để người dân "dễ thở" khi di dời đến nơi ở mới, phải hơn hay chí ít cũng phải bằng chỗ ở cũ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi mong muốn quyền lợi chính đáng của mình luôn được bảo vệ."
Hàng loạt câu hỏi của người dân nơi đây dường như chẳng có ai nghe, đơn thư khiếu nại, phản ánh của người dân đã gửi suốt nhiều năm trời cũng không được giải quyết. Một người dân bức xúc nói:
"Thủ tướng Chính phủ đã nói, việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Bây giờ chúng tôi thấy không bằng, thì làm sao chúng tôi chấp thuận? Chính quyền đảo Phú Quốc có nhớ lời của Thủ tướng không? Có đang bức ép chúng tôi vì lợi ích của doanh nghiệp?"
 
Người dân cho biết, trước kia, cuộc sống của họ tại đây vốn chẳng có gì khó khăn, thậm chí là dễ dàng. Thế nhưng, từ khi có dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, cuộc sống mới trở nên bấp bênh, người dân không ai biết khi nào thì mảnh đất mình đang ở bị cưỡng chế thu hồi, và thu hồi xong thì họ sẽ đi đâu, về đâu trên đảo ngọc này?
Để trả lời những thắc mắc của người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án của CityLand, PV đã tìm đến loạt đơn vị gồm: chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư Địa ốc Thành phố - đảo Phú Quốc, UBND thành phố Phú Quốc, UBND tỉnh Phú Quốc, Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc. Thế nhưng, đã hơn 01 tháng trôi qua, tất cả những gì PV nhận được chỉ là sự im lặng đến khó hiểu.
“Thần tốc” cưỡng chế thu hồi đất?
Hộ gia đình bà Trịnh Thị Đượm là một trong số những hộ dân đầu tiên bị cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án của CityLand. Bà Đượm bức xúc: "Ngày 05/7/2022, UBND thành phố Phú Quốc ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của gia đình tôi, thời gian thực hiện cưỡng chế là từ ngày 05/7 đến ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, ngày 25/7/2022 UBND thành phố Phúc Quốc đã ra thông báo là đến ngày 28/7/2022 sẽ tiến hành cưỡng chế. Khi nhận được thông báo này, tôi và người dân xung quanh không khỏi bức xúc. Tôi đã vò nát tờ thông báo trong nước mắt vì uất ức."
Đúng như thông báo cưỡng chế, ngày 28/7, Ban cưỡng chế của UBND thành phố Phú Quốc đã huy động hàng trăm người bao gồm các lực lượng cưỡng chế, công an, dân quân… đến thực hiện việc cưỡng chế.
Không đồng ý với việc cưỡng chế, hàng chục người dân đã kéo đến khu đất bị cưỡng chế thu hồi của gia đình bà Đượm, cùng với đó là nhiều băng rôn, biểu ngữ phản đối việc cưỡng chế. Bởi vì theo họ, gia đình bà Đượm chỉ là sự bắt đầu, rồi đất đai, nhà cửa của những người còn lại cũng sẽ bị cưỡng chế thu hồi, để rồi được bồi thường với cái giá “rẻ mạt”.
 
Có hay không "lợi ích nhóm" liên quan đến dự án KDL sinh thái Rạch Tràm?
Những dấu hiệu sai phạm không được cơ quan chức năng địa phương làm rõ và xử lý, lời kêu cứu của người dân thì cất lên trong vô vọng, khiếu kiện của người dân cũng không được giải quyết,… Phải chăng, tất cả các đơn vị liên quan đều đang "mắt không thấy, tai không nghe" trước những lời kêu cứu của nhân dân? Có hay không "lợi ích nhóm" trong việc triển khai, thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tại vị trí đẹp nhất Phú Quốc này?
 
Thực tế, nhiều dự án nhà ở "núp bóng" dưới danh nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chính quyền địa phương đứng ra thu hồi với đơn giá quy định nhà nước, thấp hơn nhiều lần giá thị trường. Sau đó, đất được giao lại cho doanh nghiệp san gạt mặt bằng, xây dựng hạ tầng bán ra với giá "trên trời", cao hơn từ chục đến vài chục lần giá bồi thường. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện.
Gần đây nhất, chiều 11/8 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã ban hành Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 18. Theo đó, qua xem xét kết quả giám sát, UBKT Trung ương nhận thấy bên cạnh những ưu điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc. Cạnh đó, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ và quản lý, sử dụng đất đai.
Trong một buổi phỏng vấn với VTC Nows, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: "Tranh chấp và khiếu kiện đất đai ở Phú Quốc đạt đến một con số khiến chúng tôi (các Đại biểu Quốc hội) phải sững sờ, kỷ lục 96%. Như vậy ở đảo ngọc, riêng đất đai đã đạt đến gần 100% tất cả các vấn đề.
Phu Quoc: “Ne
 Ông Lưu Bình Nhưỡng còn phải sững sờ với con số 96% các vụ khiếu kiện, tranh chấp tại Phú Quốc là về đất đai. (Ảnh: VTCnow)
Tại những địa phương phát triển nóng, ở đó quản lý kém, nhiều sự phát triển kinh tế “đi ngang về tắt”, thu hồi đất cũng tắt, cưỡng chế cũng tắt, sẵn sàng đập phá tài sản của dân để giao cho doanh nghiệp. Ở đó cán bộ thoái hóa biến chất nhiều, đương nhiên khiếu kiện đất đai không có gì là không thể xảy ra được."
Việc người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm tại Phú Quốc có phải do sự buông lỏng quản lý, lãnh đạo của UBND tỉnh Kiến Giang? Con số tranh chấp, khiếu kiện về đất đai lên đến 96% có chỉ ra rằng tình hình đất đai tại Phú Quốc đang cực kỳ bất ổn? Và liệu chăng, có tồn tại lợi ích nhóm, đã và đang khiến cho tình trạng đất đai tại đây thêm phần “loạn”?
"Đuổi hàng trăm người dân chúng tôi khỏi nơi ở để lấy đất thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm của CityLand, cuộc sống mưu sinh của người dân chúng tôi rẻ mạt đến thế sao?", một người dân hỏi trong uất ức.