Bàn về gói hỗ trợ kích thích kinh tế, ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến sự phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.
Trong đó, theo ông Phong, chính sách tài khóa là nền tảng để cứu các doanh nghiệp yếu kém, chính sách tiền tệ là quan trọng cho doanh nghiệp phục hồi.
"Điều quan trọng là phải hạ được lãi suất cho vay. Chính sách tiền tệ phải mang tính phổ quát hạn chế sử dụng chính sách tiền tệ mang tính phân biệt vì sẽ dẫn đến méo mó tín hiệu", ông Phong nói.
Cũng theo vị này, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ như Trung Quốc là bài học cần xem xét. Đồng thời bài học này chỉ có thể thực hiện được khi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
"Việc giải ngân từ tài khóa cần đều đặn tránh giật cục. Vì tiền từ tài khóa khi chi tiêu sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng để cung cấp tiền nhàn rỗi cho hệ thống, qua đó giảm áp lực tăng lãi suất tiền gửi", ông Phong nói.
Đồng thời không nên giải ngân quá ồ ạt có thể gây áp lực lên lạm phát và bong bóng tài sản tài chính và bất động sản, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Theo vị này, áp lực lạm phát gia tăng. Giá năng lượng và hàng hóa cơ bản đang ở mức cao cùng với việc các nước phát triển thực hiện ồ ạt các gói kích thích kinh tế rất lớn, trong khi tổng cầu hồi phục nhanh đã làm cho lạm phát tăng nhanh tại các nước phát triển và một số các nước đang phát triển.
Đứt gãy chuỗi cung ứng container, thiếu lao động trong các hầm mỏ khai thác than tại Úc và các mỏ khoáng sản trên thế giới cũng góp phần làm cho lạm phát thế giới tăng.
Ông Phong nhận định, nguy cơ lạm phát tăng mạnh ở Việt Nam hiện nay là chưa nhiều do nền kinh tế vẫn đang dưới sản lượng tiềm năng. Đồng VND lên giá phần nào bù đắp giá nhập khẩu tăng. Tuy nhiên nếu xu hướng giá xăng tiếp tục tăng trong năm 2022 thì cần thận trọng hơn với nguy cơ lạm phát.
Vậy nên kích cầu vào đâu? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Việt Nam là nước có tỷ lệ nhập khẩu lên đến hơn 100% GDP và xuất khẩu cũng có tỷ lệ tương tự. Như vậy nếu gói kích cầu tiêu dùng rất dễ bị chảy ra nước ngoài thông qua hàng nhập khẩu làm cho hiệu quả gói kích cầu kém hiệu quả.
"Tổng cầu Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào cầu xuất khẩu khi xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP. Trong khi các đối tác lớn của Việt Nam đều đang thực hiện các gói kích cầu lớn nên nhu cầu nhập khẩu cao.
Vì vậy hiệu quả nhất của gói kích cầu đó là thực hiện các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu như giảm chi phí logistics, hỗ trợ chi phí phòng dịch, đảm bảo doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động 100% công suất, tăng cường năng lực thông quan, xây dựng nhà ở công nhân tập trung…", ông Phong nêu quan điểm.
Thứ hai theo vị này, cần kích cầu tiêu dùng. Người nghèo là những người tiêu dùng hàng trong nước là chủ yếu và ít tiêu dùng hàng nhập khẩu, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người nghèo, nhân dịp Tết là một động lực cực kỳ quan trọng để đẩy mạnh sản xuất hiện nay. Thứ ba, các gói hỗ trợ cần tập trung khắc phục những vấn đề bộc lộ của nền kinh tế mà đã lâu nay vẫn chưa thực hiện được.
Nguyễn Mạnh