Chiều 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo làm rõ một số vấn đề liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo làm rõ một số vấn đề liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Quốc hội

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong đại dịch việc huy động nguồn lực hết sức to lớn. Điều này cũng thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết và xả thân của tầng lớp doanh nghiệp, nhân dân, thể hiện đường lối đối ngoại hết sức đúng đắn, rộng mở của đảng, nhà nước. 

Bộ trưởng Tài chính cũng cho hay, trong thời gian đại dịch Covid-19, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ. 

"Chính phủ vừa chỉ đạo chống dịch vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển kinh doanh. Năm 2021, riêng chính sách tài khóa là đã miễn, giảm và hoàn thuế phí và lệ phí là 132.000 tỷ đồng, trong đó miễn và giảm là 24.000 và gia hạn là 108,4000 tỷ đồng. Năm 2022 là một năm có thể nói chúng ta huy động được nguồn lực một cách lớn nhất và cũng thực hiện chính sách miễn, giảm và hoàn thuế lớn nhất, tức là 200,3000 tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 89.000 tỷ đồng và gia hạn là 110,7000 tỷ đồng. Năm 2023 thì Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và chúng tôi cũng đã trình và dự kiến sẽ miễn, giảm và hoãn là 195,4000 tỷ đồng, trong đó miễn, giảm 74,2000 tỷ và gia hạn là 121.000 tỷ đồng, đây là một sự nỗ lực rất lớn", ông Phớc nói. 

Về vấn đề đầu tư cơ sở vật tư y tế, Bộ trưởng Tài chính cho hay, trong Nghị quyết 43 đã bố trí 14 nghìn tỷ đồng, trong tổng số 176 nghìn tỷ trong gói phục hồi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra còn bố trí ngân sách địa phương và trung ương cho việc đầu tư dự án sửa chữa, nâng cao hiện đại hóa cơ sở y tế. 

Đáng chú ý, trên nghị trường, ông Phớc chi sẻ, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, Chính phủ đã làm việc không quản thời gian nhằm nhanh chóng thành lập quỹ vắc xin Covid-19, có hôm Thủ tướng chủ trì họp đến 2 giờ sáng tại hội trường.

"9h đêm Thủ tướng điện cho tôi hỏi có thành lập được quỹ vắc xin không? Tôi trả lời là thành lập được. Ngay trong đêm hôm đó chúng tôi triệu tập cuộc họp, phân công nhiệm vụ các Vụ, Cục để triển khai quy chế, thành lập quỹ vắc xin. Chúng tôi đã giao cho Vụ Hành chính sự nghiệp xây dựng Thông tư 41 ngày trong đếm. Và 8h sáng hôm sau đặt trên bàn thủ tướng cả Thông tư và Thành lập quỹ vắc xin", ông Phớc hồi tưởng. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, Nghị quyết 43 của Quốc hội ra đời vào ngày 11/1/2022 về vấn đề chính sách kinh tế, 17 ngày sau Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 15 (có hiệu lực 1/2/2022). 

"Như vậy chỉ 20 ngày sau khi có Nghị quyết của Quốc hội thì có Nghị định của Chính phủ đã được ban hành để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân", ông Phớc nói. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng kể lại quá trình các thành viên Chính phủ làm việc hết mình vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong đại dịch. 

"Ngay bản thân anh em chúng tôi tháp tùng Thủ tướng đi kiểm tra ở Thành phố Hồ Chí Minh, kiểm tra ở Bình Dương, 4 anh em Bộ trưởng chúng tôi về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì gần như không có gì ăn, chúng tôi phải nói với anh em là đi tìm mì tôm, tìm hơn 1 tiếng đồng hồ 4 anh em được 4 gói mì tôm, ăn xong thì tối mới lên máy bay về được, đến nhà là coi như vừa khuya, mà đây là một sự chia sẻ trong giai đoạn dịch là tất cả các ngành đều tập trung vào chống dịch để thành công, để cứu dân, để cứu người và để phục hồi kinh tế", ông Phớc nói.