Theo đó, với lô NVLH2123009 vừa đáo hạn vào ngày 12/2 vừa qua, Novaland cho biết hiện chưa thu xếp được nguồn thanh toán. Do đó, tập đoàn đã chậm thanh toán số tiền lãi hơn 53,2 tỷ đồng và tiền gốc 1.000 tỷ đồng so với ngày thanh toán theo kế hoạch là ngày 13/2.
Bên cạnh đó, Novaland cũng chậm thanh toán lãi gần 26,5 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu thuộc lô NVLH2224005, thay vì ngày thanh toán theo kế hoạch là ngày 16/2. Lô trái phiếu này hiện vẫn đang lưu hành với giá trị 500 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 16/2/2022, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 10,5%/năm.
Liên quan đến tình hình tài chính của Novaland, mới đây, tại hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.
Ông Nhơn cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn và Novaland mong ước thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.
Hiện Novaland đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Novaland đề xuất giảm lãi suất cho vay, ngân hàng giảm biên lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, về vấn đề trái phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần ban hành sớm dự thảo sửa đổi Nghị định 65
Trong một diễn biến liên quan, Novaland cũng vừa phát đi thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 10 - 21/3, với 5 nội dung.
Cụ thể, Novaland xin ý kiến cổ đông về việc thông qua kết hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2023.
Bên cạnh đó, Novaland muốn xin ý kiến về việc ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thực hiện tái cấu trúc công ty bao gồm việc thương lượng và triển khai phát hành mới cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, các công ty khác để tăng vốn hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc tài chính (bao gồm cả hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản).
Novaland cũng xin ý kiến cổ đông về việc ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thương lượng, điều chỉnh các điều kiện, nội dung liên quan đến các khoản huy động vốn, cơ cấu lại các khoản huy động đã thực hiện.
Đặc biệt, Novaland cũng muốn các cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thương lượng, thực hiện mua bán tài sản (bao gồm cả mua bán các khoản đầu tư vào công ty), hoán đổi tài sản (bao gồm cả hoán đổi nợ, hàng hóa), đồng thời thông qua việc bảo lãnh thanh toán cho các công ty con, công ty liên kết có khoản phải trả.