Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, Chính phủ đã không ngừng nỗ lực tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và thúc đẩy hợp tác đa phương là những động lực quan trọng để thu hút các tập đoàn lớn đến Việt Nam. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
* Ông đánh giá thế nào về sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua?
- Suốt năm 2024, chúng ta chứng kiến một bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam hết sức khả quan, với đà tăng trưởng được duy trì ổn định và liên tục.
Trong bức tranh chung, ngành nông, lâm, thủy sản lại là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam, mặc dù đóng góp chưa lớn vào tổng GDP. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 50 tỉ USD đã cho thấy tiềm năng lớn. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu đạt trên 3 tỉ USD/năm, thậm chí có những nhóm hàng vượt qua mốc 10 tỉ USD.
Đặc biệt, giá trị gia tăng trong ngành này cao hơn nhiều so với các ngành công nghiệp chế biến, nơi mà chủ yếu hưởng lợi từ gia công. Điều này cho thấy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh.
Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Trung Quốc lại là đối tác nhập khẩu hàng đầu, đặc biệt nhiều hàng hoá công nghệ giúp tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Việc tận dụng hai thị trường lớn này là một cơ hội quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đóng góp tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, với nhiều biến động từ các chính sách tiền tệ thắt chặt, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định, cho thấy khả năng thích ứng và chống chịu tốt trước những biến động bên ngoài.
Đó là trong lộ trình tăng trưởng kinh tế phải kể đến sự quyết liệt của Chính phủ khi đã hỗ trợ doanh nghiệp bằng giảm thuế, phí mà qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, từ đó có thể đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra Việt Nam cũng đã thành công trong việc giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô cũng như thu hút nguồn vốn FDI.
* Trong giai đoạn tới, Việt Nam đang đặt mục tiêu vươn lên nước thu nhập trung bình cao. Theo ông, chúng ta cần tập trung vào đâu để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo vị thế trên trường quốc tế?
- Mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 là rất tham vọng. Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện tại khoảng 4.400 USD, để đạt được mục tiêu thu nhập trung bình cao 8.000 USD vào năm 2030, chúng ta cần một tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với mức 7% hiện nay.
Trung ương cũng đã có những quyết tâm rất quyết liệt, cố gắng tăng trưởng hai con số nhằm hướng đến điều này.
Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao để nâng cao thu nhập bình quân đầu người phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của các chính sách. Chúng ta cần có những chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Để vượt qua thách thức tăng trưởng, chúng ta cần phải tận dụng tối đa các nguồn lực nội tại và cơ hội từ bên ngoài. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Khi môi trường kinh doanh được cải thiện, nội lực quốc gia được tăng cường, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sự kết hợp giữa các yếu tố này sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng mới, dựa trên nền tảng của kinh tế số, kinh tế xanh và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và bán dẫn.
* Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển kinh tế dài hạn ra sao, thưa ông?
- Nội lực của Việt Nam đã được thể hiện rõ nét qua việc nâng cao vị thế kinh tế trên trường quốc tế và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Những thành tựu này là kết quả của quá trình cải cách và đổi mới.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể nhờ sự kết hợp giữa nội lực và ngoại lực. Ổn định chính trị và các cải cách kinh tế đã thu hút đầu tư nước ngoài, giúp tăng cường nguồn lực cho nền kinh tế.
Đồng thời, quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã tạo ra một động lực mới cho sự phát triển của đất nước. Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố này đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Việt Nam đang đối mặt với thách thức về năng suất lao động so với các nước trong khu vực. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần thực hiện những cải cách mạnh mẽ, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong bộ máy nhà nước.
Cải cách hành chính và đổi mới là những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc tinh giản bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp sẽ góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ người dân hiệu quả. Qua đó, chúng ta có thể tạo ra những đột phá mới, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
* Xin cảm ơn ông!
PV (t/h)