Sức ép thanh toán nợ ngắn hạn

Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Đèo Cả, mã CK: HHV), theo báo cáo tài chính sau soát xét, trong 6 tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 793,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 549,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, chi phí lãi vay đã khiến Đèo Cả mất 307 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng mạnh so với mức 240 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Bù lại, công ty ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh từ 28,5 tỷ đồng lên mức 121,4 tỷ đồng.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, Đèo Cả ghi nhận 137,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 421% so với mức 26,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù tình hình kinh doanh khá tích cực, song các chỉ số tài chính của Đèo Cả đã nói lên nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là khoản nợ.

Theo đó, ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Đèo Cả ở mức 32.877 tỷ đồng, phần lớn là tài sản cố định, tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 194,6 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt của công ty vỏn vẹn 5 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng nợ phải trả của Đèo Cả tính đến cuối tháng 6/2021 ở mức 25.355 tỷ đồng, như vậy, nợ phải trả đã chiếm tới 77% tổng tài sản của công ty. Mặt khác, nợ ngắn hạn ở mức 3.864 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ ở mức 1.256 tỷ đồng, điều này cho thấy áp lực thanh toán nợ ngắn hạn của Đèo Cả là rất lớn.

Nợ “ngập đầu”, công ty Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng đang là con nợ của những ai?
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả. (Ảnh:deoca.vn)

Đặc biệt, ngày 30/6/2021, vốn chủ sở hữu của Đèo Cả cũng chỉ ở mức 7.522 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ phải trả cũng đã cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu, lại càng gây áp lực lớn cho công ty về việc trả nợ.

Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, việc nợ phải trả cao gấp 3,4 vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của công ty hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.

Nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.

Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề, không lường trước rủi ro sụt giảm.

Chủ nợ lớn nhất là ai?

Chiếu theo báo cáo tài chính, tại thời điểm ngày 30/6/2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đang là chủ nợ lớn nhất của Đèo Cả với số nợ xấp xỉ 19.800 tỷ đồng.

Cụ thể, Đèo Cả đang có khoản vay ngắn hạn 107,2 tỷ đồng tại VietinBank chi nhánh Đà Nẵng. Khoản vay ban đầu có dư nợ là 180 triệu đồng, trong đó, tại Hợp đồng số 01/2020-HDCVHM/NHCT480-DII ngày 2/11/2020 với mức vay 100 tỷ đồng, hình thức đảm bảo bằng cà vẹt (giấy đăng ký) xe ô tô và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại căn hộ Plaza. Còn Hợp đồng số 02/2020-HDCVHM/NHCT480-DII ngày 2/11/2020 với mức vay 80 tỷ đồng, hình thức đảm bảo là tín chấp.

Ngoài khoản vay nợ ngắn hạn, Đèo Cả còn vay dài hạn hơn 19.663 tỷ đồng tại VietinBank chi nhánh Hà Nội.

Nợ “ngập đầu”, công ty Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng đang là con nợ của những ai?
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả do Tập đoàn Đèo Cả triển khai

Cụ thể, tại Hợp đồng số 02/2013/NHCT106-DEOCA ngày 22/10/2013 với hạn mức vay 4.800 tỷ đồng, với mục đích sử dụng tiền vay là thanh toán các chi phí hợp lý để thực hiện công trình BOT thuộc dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa; Thời hạn vay là 180 tháng, lãi suất theo từng lần nhận nợ.

Hợp đồng số 01/2015-HDTDDA/NHCT106-DEOCA, ngày 28/7/2015 với hạn mức vay là 2.500 tỷ đồng để thực hiện hạng mục đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và Bình Định thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tình Khánh Hòa theo hình thức BT và BOT; Thời hạn vay là 204 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân là 48 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên; Lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Hợp đồng số 01/2016-HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 2/2/2016 với mức vay 4.182 tỷ đồng và phần lãi vay trong thời gian xây dựng được vốn hóa vào tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện giai đoạn 2: Mở rộng hầm Hải Vân thuộc Hạng mục đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân quốc lộ 1 tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng được bổ sung vào dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả; Thời hạn vay là 20 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân là 4 năm; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Hợp đồng số 02/2015- HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 11/12/2015 có hạn mức vay là 1.190 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hầm Hải Vân 1 và đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân (giai đoạn của hạng mục đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Quốc lộ 1 tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng; Thời hạn vay là 192 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân 24 tháng; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Hợp đồng số 01/2017-HDTDDA/NHCT106-BOT GBLS của Vietinbank Chi nhánh TP Hà Nội với hạn mức 1.190 tỷ đồng để thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Thời hạn vay là 17 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân 24 tháng; Lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Sau VietinBank, chủ nợ là tổ chức tín dụng lớn thứ hai của Đèo Cả là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) chi nhánh Hà Nội với dư nợ vay dài hạn 963,4 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2021). Được biết, theo Hợp đồng số 23072014/HDDH với VietABank chi nhánh Hà Nội, hạn mức vay là 1.149 tỷ đồng để thực hiện dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, Quốc lộ 1A, theo hình thức hợp đồng BOT với thời hạn vay 233 tháng.

Bên cạnh đó, tính tại thời điểm ngày 30/6/2021, Đèo Cả có khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chi nhánh Thăng Long Hà Nội với số tiền 28,6 tỷ đồng và nợ vay dài hạn khoảng 1 tỷ đồng.

Ngoài các khoản nợ tại các ngân hàng, Đèo Cả còn nợ số tiền lớn dài hạn tại các bên liên quan gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T với số nợ 125,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng miền Bắc 92 tỷ đồng.

Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả gắn liền với tên tuổi ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện tại, ngành nghề chính của công ty là hoạt động quản lý, khai thác, bảo trì hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ Cù Mông... và quản lý, duy tu bảo dưỡng các tuyến quốc lộ được giao; quản lý vận hành các trạm thu phí; Xây dựng công trình đường bộ, sửa chữa các công trình giao thông; Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định…

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HHV của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả chốt phiên 15/10 ở mức 20.200 đồng/đơn vị, giảm khoảng 4% so với thời điểm cách đó một tháng nhưng tăng 19% so với thời điểm đầu năm.

Theo Văn Thành Nhân (tuoitrethudo.com.vn)

Link bài gốc:

https://tuoitrethudo.com.vn/no-ngap-dau-cong-ty-deo-ca-cua-ong-ho-minh-hoang-dang-la-con-no-cua-nhung-ai-180539.html