Bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường
GS Nguyễn Quang Thái phân tích: Bước vào năm 2023, các xung đột địa chính trị tiếp tục diễn ra phức tạp, làm cho nền kinh tế thế giới bị "phân mảnh" thành những khối, nhóm nước theo các quan hệ thương mại, đầu tư, an ninh…
Các dự báo kinh tế quốc tế năm 2023 cho thấy, tốc độ kinh tế toàn cầu bị giảm tốc độ tăng trưởng, trong điều kiện khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng và suy thoái môi trường nặng nề trong xung đột địa chính trị và xung đột ở Ukraine từ hơn một năm nay. Các biện pháp bao vây cấm vận khắc nghiệt nước Nga, cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ... đang làm hình thành các liên minh kinh tế mới về dầu mỏ, về Nhóm Thượng Hải và BRICS,… Nước Mỹ với nền kinh tế, khoa học công nghệ hùng mạnh nhất cũng đang gặp suy giảm trầm trọng, giảm tăng trưởng, tăng lạm phát, tăng lãi suất liên tiếp.
Dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết khí hậu của Việt Nam diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến tình trạng khô hạn, nóng, lạnh thất thường. Mấy ngày đầu tháng 5 đã ghi nhận nắng nóng vượt 40 độ C, cao nhất được ghi nhận trong lịch sử khí tượng, nhất là ở Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, tuy Tổ chức Y tế thế giới không coi đại dịch COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không vì thế mà chúng ta lơ là, không hành động gì trong điều kiện mở rộng giao lưu. Hiện số ca mắc COVID-19 đã tăng, có ngày lên tới 2.000 trường hợp, một số diễn biến nặng ngay trong các tháng đầu năm 2023.
Giao nhiệm vụ cụ thể, sát sao
Trong bối cảnh đó, GS Nguyễn Quang Thái nêu rõ: Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo điều hành quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế vượt qua thách thức. Chính phủ đã tổ chức gần 600 cuộc họp, hội nghị. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật (19 nghị định và 12 quyết định của Thủ tướng Chính phủ), 77 nghị quyết của Chính phủ, 498 quyết định cá biệt và 27 công điện, 11 chỉ thị, 398 công văn.
Cụ thể, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cơ quan của mình và làm việc trực tiếp, nắm tình hình, giải quyết các vấn đề tại địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những cuộc thị sát tại cơ sở, tháo gỡ các điểm nghẽn trong giao thông ngay trong các ngày Tết và nghỉ lễ năm 2023, tạo ra xung lực mới, kiên quyết "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". Cách chỉ đạo điều hành của Thủ tướng rất cụ thể, sát sao đã làm cho các ngành, địa phương phải nỗ lực hơn nữa, cũng như gợi mở các vấn đề, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các giới, đặc biệt là người lao động, phụ nữ, nhà giáo…
Nỗ lực hơn nữa trong tham mưu kinh tế
GS Nguyễn Quang Thái đánh giá: Đối với ngành kế hoạch và đầu tư, bên cạnh sự biểu dương, khen ngợi, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất trúng các vấn đề lớn mà cơ quan "tham mưu về kinh tế" của Đảng và Nhà nước cần phải nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt trong công tác quy hoạch tổng thể quốc gia và các ngành, vùng và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã cùng các thành viên Chính phủ thảo luận để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch, hoàn thiện hơn nữa việc tích hợp các khía cạnh đa dạng để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước đã có 100 triệu dân và 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành tài chính, chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn thu và chi tiêu đúng quy định, hiệu quả, xem xét việc giảm thuế VAT xuống 8%, hoãn và giãn thuế để khoan sức dân và doanh nghiệp đã bị "bào mòn" tiềm lực khá nhiều sau mấy năm dịch bệnh và giảm sút đơn hàng quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ, là mạch máu của nền kinh tế, để có giải pháp kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, tăng dự trữ quốc gia, giảm nợ xấu, đưa tín dụng vào đúng nhu cầu đích thực của nền kinh tế, trong đó có giải pháp giảm lãi suất, giúp các doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh trong các địa bàn khác nhau, tìm ra các khâu động lực cụ thể trong tăng tiêu dùng, đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu để tăng nhanh và bền vững.
Với mỗi địa phương đến kiểm tra công tác, Thủ tướng đã đánh giá đúng và trúng những nỗ lực của địa phương và gợi mở các giải pháp thiết thực và hiệu quả để phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, gắn kết mỗi địa phương với các địa phương lân cận và cả nước, cùng lan tỏa và thúc đẩy phát triển. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Vùng, làm cho kinh tế-xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước ở một số địa phương chưa bền vững, còn phụ thuộc vào một số ngành nhất định,… Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ cần quán trịệt 5 quan điểm, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để cả vùng đồng bằng sông Hồng phát triển vượt lên, dẫn đầu cả nước.
Những thông điệp quan trọng về chính sách đổi mới rộng mở
Bên cạnh đó, các chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ đến các nước hoặc tiếp các đoàn khách cấp cao của các nước đều là dịp để người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ truyền đi thông điệp quan trọng về chính sách đổi mới rộng mở của Việt Nam, cùng các bên trao đổi và đi tới hàng loạt các cam kết đa dạng cho đầu tư kinh doanh mới, cả ODA, FDI, xuất nhập khẩu, gắn kết ngày càng sâu rộng với kinh tế toàn cầu thời hội nhập.
Các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã đồng hành cùng tập thể Chính phủ, trao đổi thảo luận với các bằng chứng rất cụ thể để phát huy các tiềm năng thế mạnh của đất nước.
Chẳng hạn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm tốt chức trách được phân công trên bình diện rất rộng. Ông đã chỉ đạo sát sao các ngành và địa phương đóng góp để điều chỉnh Luật Đất đai (sửa đổi), đóng góp với Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về nước… Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, ông đã nêu nhiều giải pháp cụ thể để Việt Nam phát triển xanh, thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Lê Minh Khái cũng có nhiều hoạt động rất tích cực và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành lĩnh vực được phân công, phối hợp tốt với tập thể thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để có sự chỉ đạo điều hành rất năng động, hiệu quả, mang lại các chuyển động tích cực trong toàn hệ thống hành chính quốc gia từ Trung ương đến các ngành và địa phương.
Nhân tố tích cực đã xuất hiện ở các ngành, địa phương
Theo GS. Nguyễn Quang Thái, trước những khó khăn, thách thức, nhiều nhân tố tích cực đã xuất hiện ở các ngành, các địa phương là các điểm sáng, rất đáng hoan nghênh.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có sự phát triển rất năng động trong thời kỳ mới, với các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản tăng trưởng nhanh, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu, nhất là mở rộng thị trường quốc tế.
Thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng đã có sự vươn lên rất năng động trong khó khăn chung. Hà Nội đã đạt những kết quả bước đầu tích cực hơn mức trung bình cả nước, dù còn xa các chỉ tiêu, mục tiêu. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 tăng 5,8%; bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86% (chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 là từ 7,5-8,0%); GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (kế hoạch đến năm 2025 là 192-196 triệu đồng); vốn đầu tư xã hội đạt 872,2 nghìn tỷ đồng, bằng 28,14% cận dưới chỉ tiêu 5 năm 2021-2025 (3.100 nghìn tỷ đồng); năng suất lao động tăng bình quân 5,05%/năm (kế hoạch là 7,0-7,5%).
Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong nhiều năm. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước tăng 8,04% trong quý I so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức trên 10% trước đây, những đã là điểm sáng, thúc đẩy tăng trưởng chung. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh quý I/2023 ước đạt 14.870 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 11.270 tỷ đồng, tăng 8% cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ, là những con số rất ấn tượng.
Khắc phục tình trạng cùng cơ chế nhưng nơi làm tốt, nơi trì trệ
Cùng trong điều kiện cơ chế như nhau, nhưng vẫn còn sự trì trệ, yếu kém trong một số ngành, địa phương và một số lãnh đạo các cấp rất cần được chỉnh sửa.
Trong 4 tháng đầu năm, tuy có chuyển biến trong ngành GTVT, nhưng nhiều ngành và địa phương giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, chủ yếu là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng đầu tư công được giải ngân thấp đã không chỉ làm nguồn lực quốc gia bị "kìm hãm", giảm tốc độ tăng trưởng, mà còn làm nhiều ngành và địa phương khác cần thêm vốn, nhưng chưa điều chuyển được.
Do yếu kém trong đơn hàng PMI từ bên ngoài, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực bị giảm sút tốc độ tăng, thậm chí giảm "âm" trong những tháng qua, rất đáng lo ngại. Tại Hà Nội, 4 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 1,6% (cùng kỳ tăng 6,0%); kim ngạch xuất khẩu giảm 1,3%.
Vươn lên trong từng tháng, từng quý và cả năm 2023
Phân tích về nền kinh tế năm 2023, GS Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh: Đây là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, các năm 2020/2021 Việt Nam chỉ tăng trưởng dưới 3%/năm, mặc dù đó là tốc độ cao trên thế giới và khu vực.
Năm 2022, tuy GDP tăng trưởng 8,02%, nhưng bình quân tăng 2 năm đầu kế hoạch 5 năm 2021-2025 vẫn dưới 6%/năm, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của ba năm 2023-2025, thực hiện quyết liệt chương trình hành động khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Khó khăn còn rất lớn, vì theo các tổ chức quốc tế, dự báo tăng trưởng quý II/2023 và cả năm của Việt Nam là từ 5-6%, khó bù đắp sự tăng trưởng giảm sút các năm đại dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đúng như sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta cần tích cực, chủ động vượt mọi khó khăn thách thức, tháo gỡ khó khăn chủ quan, phát huy thành tựu, tận dụng mọi thời cơ mới để có những điều chỉnh chính sách linh hoạt, nỗ lực vượt lên đạt mục tiêu cao nhất năm 2023 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.