Theo tờ Nikkei Asian Review, nhân loại trong 200 năm qua đã tăng trưởng dân số nhanh chóng, qua đó làm xói mòn nguồn tài nguyên của trái đất, huỷ hoại môi trường cũng như kích thích các cuộc chiến tranh giành lợi ích. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra và đúng như vậy, những báo cáo gần đây cho thấy tốc độ tăng dân số bắt đầu trên đà giảm tốc và có nguy cơ suy giảm dân số về dài hạn.
Bắt đầu suy giảm
Tổng dân số toàn cầu vượt 1 tỷ người vào năm 1800 và hiện đã đạt 7,8 tỷ. Dù dân số tăng mạnh nhưng báo cáo gần đây của trường đại học Washington lại cho thấy đà tăng này đang giảm tốc.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu đạt đỉnh vào cuối thập niên 1960 với 2,09%. Thế nhưng vào năm 2017, tăng trưởng dân số của người trong độ tuổi lao động 15-64 lại chưa đến 1%. Tồi tệ hơn, sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động đang diễn ra ở ¼ quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nguồn ảnh: Asian Nikkei Review
Theo các dự đoán, tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu năm 2023 sẽ dưới 1%. Đến năm 2050, khoảng 151/195 quốc gia-vùng lãnh thổ sẽ lâm vào tình trạng suy giảm dân số. Năm 2064, dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh 9,7 tỷ người và suy giảm dần.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy Đông Á là khu vực suy giảm dân số nhanh nhất hiện nay, dẫn đầu bởi Hàn Quốc khi tỷ lệ sinh chỉ đạt bình quân 1,11 bé/phụ nữ trong khoảng 2015-2020, tiếp đó là Đài Loan (1,15) và Nhật Bản (1,37).
Về lý thuyết, tỷ lệ sinh 2,1 bé/phụ nữ được cho là mức vừa đủ để duy trì dân số và nếu dưới mức này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu lao động, tạo gánh nặng cho an sinh xã hội cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế do tiêu dùng giảm.
Tại Hàn Quốc, cuộc sống ngày càng khó khăn đã khiến nhiều người không muốn sinh con hay thậm chí là kết hôn. Giá bất động sản, chi phí nuôi dạy cùng nhiều yếu tố đã làm giảm tỷ lệ sinh của Hàn Quốc năm 2020 xuống chỉ còn 0,84 trẻ/phụ nữ, mức thấp nhất thế giới.
Không riêng gì Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á cũng đang bị suy giảm tăng trưởng dân số rõ rệt. Ví dụ Thái Lan từng có tỷ lệ sinh cao hơn 6 trẻ/phụ nữ nhưng hiện nay chỉ còn 1,53 trẻ/phụ nữ, qua đó gần tiến sát với Nhật Bản. Năm 2019, tổng dân số trong độ tuổi lao động của Thái Lan đã bắt đầu suy giảm và tăng trưởng kinh tế của nước này cũng chỉ đạt 2,4%, bằng 1/3 so với thập niên 1970.
Điều trớ trêu là ngay cả những nước có chế độ an sinh xã hội tốt như Phần Lan với nhiều gói hỗ trợ các bà mẹ cũng chứng kiến sự suy giảm tỷ lệ sinh khi chỉ đạt 1,37 trẻ/phụ nữ.
Tồi tệ hơn, đại dịch Covid-19 không khiến các gia đình "tạo trẻ" nhiều hơn dù có thời gian bên nhau. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản năm 2020 đã xuống mức thấp kỷ lục 1,34 trẻ/phụ nữ, giảm 3% so với năm trước đó. Tương tự, tỷ lệ này tại Mỹ cũng giảm 4% so với năm 2019, mức thấp nhất trong 41 năm qua.
Tổng dân số toàn cầu (tỷ người)
Báo cáo của Viện Brookings Institution cho thấy nhiều người Mỹ lo ngại thất nghiệp và chi phí y tế cao nên đã không đẻ. Tại Châu Âu, tình hình cũng tương tự khi báo cáo "World Population Prospects 2019" dự đoán dân số tại đây sẽ bắt đầu giảm từ năm 2022.
Thế nhưng, nói về tốc độ suy giảm tăng trưởng dân số thì không đâu bằng Trung Quốc. Báo cáo của trường đại học Washington dự báo dân số nước này sẽ bắt đầu suy giảm từ năm 2022, với 1,41 tỷ hiện nay đi xuống còn 730 triệu người vào năm 2100. Tương tự, khoảng 23 quốc gia bao gồm Nhật Bản cũng có dân số chỉ bằng một nửa so với hiện nay vào thời điểm đó.
Báo cáo "World Population Prospects 2019" từng dự báo dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng, đạt 10,9 tỷ vào năm 2100. Thế nhưng những con số mới nhất cho thấy tỷ lệ sinh ở ngay cả các nước đang phát triển cũng suy giảm nhanh hơn so với dự đoán.
"Tỷ lệ sinh bình quân toàn cầu sẽ xuống 1,5 trẻ/phụ nữ và thậm chí thấp hơn ở một số nước. Điều này đồng nghĩa loài người sẽ diệt vong trong vòng 100 năm tới nếu không có biện pháp", chuyên gia Christopher Murray của trường đại học Washington nhấn mạnh.
Hệ quả từ duy trì nòi giống
Trong suốt 200 năm, đà tăng trưởng dân số đã kích thích sự phát triển kinh tế qua các cuộc cách mạng công nghiệp. Đồng thời sự gia tăng về thu nhập cũng khiến đời sống đi lên, qua đó tác động ngược lại nhu cầu sinh sản của người dân, tạo thành một vòng tuần hoàn.
Bởi vậy ngay từ đầu thế kỷ 19, nhiều chuyên gia đã tiên đoán cuối cùng thì nhân loại cũng sẽ dùng hết tài nguyên trái đất và diệt chủng. Năm 1798, chuyên gia kinh tế người Anh Thomas Malthus đã nhận định tốc độ tăng trưởng dân số đang quá nhanh, vượt qua cả năng suất cung ứng nên dễ gây ra các nạn đói.
Năm 1972, tổ chức "Club of Rome" đã cảnh báo nhân loại sẽ đạt giới hạn tăng trưởng trong vòng 100 năm tới do quá tải dân số và ô nhiễm môi trường.
Dân số trong độ tuổi lao động của các nước chuyên xuất khẩu nhân lực đang suy giảm
Vào năm 2005, nhà nhân chủng học Jared Diamond đã thu hút sự quan tâm của công chúng khi xuất bản cuốn sách "How Societies Choose to Fail or Succed" khi nói về sự thành công và thất bại của các nền văn minh trong lịch sử. Đặc biệt, ông Diamond mô tả những người Maya hùng mạnh thời xưa đã rơi vào cái bẫy dân số Malthus khiến nền văn minh này đi về hướng hủy diệt.
Theo đó, dân số của người Maya đã tăng trưởng vượt ngưỡng hệ thống nông nghiệp lạc hậu của họ cho phép, nghĩa là nhiều dân hơn cần nhiều lương thực hơn, cần nhiều đất đai hơn nhưng chúng cũng đi kèm với phá rừng, xói mòn, hạn hán hay thoái hóa đất.
Hệ quả là những cuộc chiến tranh giành nguồn tài nguyên nổ ra và đẩy cả nền văn minh này đi tới sự hủy diệt.
Trên thực tế, tiên đoán này của ông Diamond đã được nhà nhân khẩu học, kinh tế học người Anh Thomas Robert Malthus phát biểu vào năm 1978 với công trình "Essay on the Principle of Population". Theo đó, chuyên gia Malthus cho rằng nguyên nhân của sự nghèo đói là một tỷ lệ đơn giản giữa tăng trưởng dân số và tài nguyên.
Trong điều kiện thuận lợi, bản năng duy trì giống nói sẽ kích thích dân số tăng trưởng theo cấp số nhân nhưng sản lượng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác sẽ chỉ tăng theo cấp số cộng do sự thoái hóa đất cũng như tài nguyên thiên nhiên. Hậu quả là sự bùng nổ dân số làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo, qua đó kích thích các cuộc chiến tranh giành tài nguyên.
Lý thuyết của Malthus dựa trên 2 quy luật vĩnh cửu của tự nhiên là ham muốn tình dục và nhu cầu thực phẩm của con người. Ông Malthus cho rằng chỉ có 2 loại yếu tố có thể chống lại sự tăng trưởng mất cân đối này: Đó là thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh... hoặc là tiết giảm nhân số bằng các biện pháp phòng ngừa (bao cao su, thuốc tránh thai...).
Thật vậy, chuyên gia Hiroshi Kito của trường đại học Shizuoka nhận định trong hơn 300.000 năm của lịch sử nhân loại, thiên tai, dịch bệnh thường là yếu tố khiến giảm dân số nhiều nhất.
Tuy nhiên hiện nay, loài người có lẽ đang bước vào giai đoạn giảm dân số bền vững trong dài hạn do phòng ngừa sinh đẻ. Điều trớ trêu là sự phòng ngừa này đến từ giới hạn tài nguyên, nghèo đói hoặc áp lực kinh tế hơn là tự nguyên và ý thức của người dân.
*Nguồn: Nikkei Asian Review
Doanh nghiệp và tiếp thị