Ảnh minh họa: Báo Giao thông.
Vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới với số tiền gần 30.000 tỷ đồng
Vụ án gần đây nhất có thể nhắc đến là vào ngày 25/9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 6 bị can gồm: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội "Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới", quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới với số tiền gần 30.000 tỷ đồng. Chuyên án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.
Vụ án rửa tiền xảy ra tại Địa ốc Alibaba
Một vụ án khác cũng liên quan đến việc rửa tiền từng gây xôn xao vào năm 2019 là vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba. Theo đó, ngày 1/10/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam trong thời gian ba tháng 24 ngày đối với Nguyễn Thái Lực (sinh năm 1999, em ruột Nguyễn Thái Luyện Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba) về tội "Rửa tiền" để tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Nguyễn Thái Lực (sinh năm 1999, em ruột Nguyễn Thái Luyện Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba) tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an TP.HCM.
Thời điểm đó, qua điều tra, xác minh Cơ quan CSĐT cho biết, Nguyễn Thái Lực đã có hành vi sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện việc chuyển nhận tiền nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của nguồn tiền này dù biết rõ đây là tiền do Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh chiếm đoạt từ khách hàng.
Các đối tượng tổ chức thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân vẽ ra các dự án "ma" sau đó bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong vụ việc này, hơn 6.700 khách hàng đã giao dịch để Công ty CP Địa ốc Alibaba thu hơn 2.500 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường bị khởi tố về tội "Rửa tiền"
Cũng trong năm 2019, vụ án số 27/C03-P14, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), ngày 14/5/2019, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 10 bị can về các tội danh khác nhau gồm "Buôn lậu" theo Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã ra quyết định truy nã đối với Bùi Quang Huy (sinh năm 1974, trú tại chung cư Golden WestLake, 151 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường.
Bộ Công an đang truy nã đỏ Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường. Ảnh: PV.
Đáng chú ý, ngày 9/7/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can số 21/C03-P14 và Lệnh khám xét số 114/C03-P14 đối với bị can Bùi Quang Huy về tội "Rửa tiền".
Rửa tiền thông qua đánh bạc
Điển hình là vụ án "Đánh bạc nghìn tỷ" xảy ra vào năm 2018 đã từng gây chấn động khắp cả nước do Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) và Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc - Công ty VTC online) là 2 người cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ đã cùng bị truy tố về 2 tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền".
Cụ thể, ngày 30/11/2018, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt Nguyễn Văn Dương 5 năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc" và 5 năm tù về tội "Rửa tiền", tổng hình phạt là 10 năm tù. Còn Phan Sào Nam bị tuyên phạt 2 năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc" và 3 năm tù về tội "Rửa tiền", tổng hình phạt 5 năm tù.
Nguyễn Văn Dương (phải - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) và Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc - Công ty VTC online). Ảnh: Zing
Theo bản kết luận điều tra số 829/ANĐT ngày 18/7/2018 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ về vụ án trên, bị can Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT VTC online), Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức 25 "đại lý cấp 1", gần 6.000 "đại lý cấp 2" với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club, thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tương tự, vào năm 2014, Công an TP.HCM triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc (dưới hình thức thầu đề) rất lớn tại 14 điểm của đường dây thầu đề liên quận tới nhiều quận (Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận…) 28 đối tượng đã bị bắt giữ cùng với nhiều tang vật. Phương thức hoạt động của các đối tượng là nhận các phơi đề từ đại lý gửi về qua máy fax và chi trả qua thẻ ATM của 3 ngân hàng thương mại khác nhau, giao dịch có lúc đến hàng tỷ đồng/ngày…
Hay, năm 2013, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt quả tang vụ đánh gạc tại lán tre thuộc xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt giữ 68 đối tượng. Đây là vụ đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa có tổ chức, quy mô lớn nhất miền Bắc. Các bị cáo bị nhận các mức án từ tù treo cho tới 54 tháng tù giam…
Nhà đầu tư
Link nguồn: https://cafef.vn/nhung-vu-an-rua-tien-khung-gay-xon-xao-tai-viet-nam-gan-day-20201220214840982.chn