Những lỗi cần tránh khi làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Nhiều thí sinh từng mắc phải những sai lầm không đáng có trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây. Do đó, trong kỳ thi năm 2024, thí sinh cần đặc biệt lưu tâm để không gặp phải sai lầm, dẫn đến kết quả đáng tiếc.

Những lưu ý bài thi trắc nghiệm

Theo báo Chính Phủ hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn áp dụng dạng thi trắc nghiệm cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Những quy định liên quan phiếu trả lời câu hỏi trắc nghiệm đặc biệt thu hút thí sinh và phụ huynh quan tâm, tìm hiểu.

Việc chấm bài thi trắc nghiệm sẽ được thực hiện bằng máy chấm. Việc mắc lỗi có thể khiến thí sinh bị mất điểm đáng tiếc, thậm chí bị hủy bài thi. Do đó, trước khi bước vào làm bài, thí sinh cần lưu ý những điều dưới đây để không mắc sai lầm, khiến bài thi mất điểm đáng tiếc.

- Cần tô đúng số báo danh: Đầu tiên, khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh cần phải tô đúng số báo danh (SBD) của mình, tô đúng quy cách được hướng dẫn của giám thị để có thể dễ dàng nhận biết được SBD.

- Tô mã đề là một phần rất quan trọng: Thí sinh nên đặc biệt lưu ý đến điều này. Thí sinh thường mắc các lỗi như không tô mã đề, tô mã đề không có, hoặc tô sai quy cách khiến máy chấm không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề nào, từ đó dẫn đến việc chấm điểm sẽ không chính xác.

- Tuyệt đối không tô mờ: Tránh việc phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa làm cho máy chấm không hiểu được thí sinh chọn phương án nào. Nên việc cần thiết là thí sinh chuẩn bị những dụng cụ tô đáp án như bút chì, tẩy thật cẩn thận và lựa chọn loại bút có thể tô rõ ràng và nhanh chóng để không bị mất thời gian làm bài.

- Tránh gấp phiếu trả lời trắc nghiệm: Thí sinh cần tránh gấp phiếu trả lời trắc nghiệm, làm phiếu bị biến dạng hoặc viết, vẽ những nội dung không liên quan vào phiếu, việc này rất dễ bị đánh dấu bài, vi phạm quy định và dẫn đến kết quả thi có nguy cơ không được công nhận.

Một điều đáng chú ý khi làm bài thi, việc đọc vội vàng qua câu hỏi, chưa nắm rõ nội dung yêu cầu của đề bài đã vội vàng triển khai bài làm là một lỗi phổ biến mà thí sinh thường gặp phải, gây mất điểm oan và không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Để khắc phục điều này, thí sinh cần phải chú ý những điều sau:

- Thí sinh cần tránh việc không đọc kĩ đề bài và đáp án: Đọc hiểu kỹ từng câu hỏi trong đề, đừng đọc lướt nội dung, dẫn đến hiểu sai nội dung hoặc nhầm giả thiết đề bài đưa ra, dẫn đến lựa chọn đáp án sai. Ngoài ra, trong một số trường hợp, còn có việc các phương án trả lời trắc nghiệm được đưa ra dưới dạng "tung hỏa mù" gần giống nhau, có thể gây nhầm lẫn trong lúc chọn đáp án, cần đặc biệt chú ý.

- Mắc lỗi dành quá nhiều thời gian cho một câu: Nhiều thí sinh mắc lỗi dành quá nhiều thời gian cho một câu nhưng lại quên mất các câu khác trong bài, phân bổ thời gian chưa hợp lý cho việc làm bài thi. Việc phân bổ thời gian khoa học là điều thí sinh nên rèn luyện, để khi bước vào làm bài thi thực tế sẽ không bị xáo trộn.

Theo đó thí sinh cần cân đối mỗi câu đều có tỷ trọng điểm tương đối trong cấu trúc bài, nên tập trung làm những phần trong khả năng có thể làm được, sau đó quay lại xử lý tiếp các câu khó. Và điều quan trọng là không được để trống bất cứ câu trả lời nào cho dù vẫn chưa tìm ra đáp án.

Giáo dục - Những lỗi cần tránh khi làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Một số lưu ý gì khi ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: "Ngoài ba môn tương ứng với ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, học sinh tùy theo lựa chọn đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội có kế hoạch tham gia ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô giáo ở trường và chủ động hệ thống hóa kiến thức cơ bản".

Hiện nay nguồn tài liệu ôn tập có rất nhiều và cũng dễ tìm kiếm trên mạng. Nhưng tài liệu chính để học sinh ôn tập vẫn là sách giáo khoa và vở ghi các bài học đã học, các dạng câu hỏi, bài tập, bài thực hành... đã làm trong quá trình học tập.

Các em cần dựa vào đó để ôn tập thật chắc từng đơn vị kiến thức cơ bản. Với mỗi đơn vị kiến thức cơ bản đó, khi quay lại ôn tập, các em có thể tìm kiếm thêm tài liệu là những câu hỏi, hệ thống bài tập để luyện tập.

Các em cần chú ý tới các câu hỏi mở liên hệ với thực tiễn cuộc sống, yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Những tình huống cuộc sống trong câu hỏi thi có thể không có trong sách, trong nội dung bài giảng nhưng khi đã nắm vững kiến thức cơ bản các em đều có thể đáp ứng được yêu cầu.

Trong quá trình ôn tập cho học sinh tại các nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có lưu ý các trường tổ chức phân loại trình độ học sinh để có kế hoạch ôn tập sát với các nhóm đối tượng. Tùy theo các nhóm đối tượng học sinh, thầy cô giáo có thể cung cấp thêm cho học sinh tài liệu tham khảo để luyện tập nhưng không nên quá nhiều gây nên sự quá tải không cần thiết.

Có một căn cứ khác để học sinh tham khảo khi ôn tập là đề thi tham khảo của các môn thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Các em học sinh có thể xem đề thi tham khảo để biết cấu trúc, cách hỏi trong đề thi.

Trúc Chi (t/h)