Những giải pháp ngắn hạn và trung hạn nào “giải vây” thị trường BĐS?

Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung 2 nội dung trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội dự kiến tổ chức vào đầu năm 2023 để xem xét quyết định một số cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Tại Diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã chỉ ra những dấu hiệu không ổn định của thị trường bất động sản.

Về nguồn cung, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm mạnh. Đến hết quý 3/2022, cả nước có 104 dự án đang triển khai, chỉ bằng 51% cùng kỳ so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Nhà ở thương mại cao cấp nhiều trong khi dự án nhà ở giá trung bình phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân lại rất hạn chế, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giá nhà ở vì thế neo ở mức cao, người dân khó tiếp cận, tác động đến tính thanh khoản, lượng giao dịch giảm, nhất là trong quý 4/2022.

Những giải pháp ngắn hạn và trung hạn nào “giải vây” thị trường BĐS? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp phải không ít khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khiến cho hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ vì thiếu vốn.

Ngoài ra, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng đã làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, khiến một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giảm lao động, các nhà thầu thi công phải dừng thi công…

Cùng với đó là những khó khăn do tâm lý khách hàng. Một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, vào thị trường.

Mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đề xuất các giải pháp trung - dài hạn và ngắn hạn để “giải vây” thị trường BĐS.

Giải pháp trung, dài hạn: ông Châu đề nghị tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã xác định mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật ngay trong quá trình xây dựng Dự án sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng; sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật đấu giá tài sản, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân… để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Quốc hội dự kiến vào đầu năm 2023 theo đề nghị của Chính phủ để xem xét, quyết định những vấn đề thật cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung 2 nội dung trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội dự kiến tổ chức vào đầu năm 2023 để xem xét quyết định một số cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Một là, để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án bất động sản theo nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp (M&A), nhất là để xử lý các dự án bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai xem xét, cho phép các doanh nghiệp bất động sản chuyển nhượng dự án bất động sản được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội khóa 14 “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Hai là, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” (theo quy định tại điểm o khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/07/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14) để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ), bởi lẽ trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9 10%/năm.

Những giải pháp ngắn hạn và trung hạn nào “giải vây” thị trường BĐS? - Ảnh 2.

Giải pháp ngắn hạn: Ông Châu đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai của Bộ Tài nguyên Môi trường và thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để tháo gỡ ngay một số vướng mắc.

Trong thời gian chờ các Luật Đất đai (mới) và một số luật liên quan được ban hành và có hiệu lực thi hành thì cần thiết rà soát, sửa đổi một số quy định dưới luật theo hình thức một Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định và sửa đổi một số Thông tư liên quan để khắc phục ngay một số bất cập, vướng mắc nhưng phải bảo đảm phù hợp với luật hiện hành.

Trước mắt là Đề án “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và Đề án “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương “bơm” nguồn vốn tín dụng bổ sung vào nền kinh tế đúng đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, các dự án đang xây dựng dở dang, hoặc dự án sắp hoàn thành xây dựng. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo ông Châu là để tăng niềm tin và “lực cầu trên thị trường trái phiếu, BĐS.

Bảo Anh

Nhịp sống thị trường