trai-phieu-doanh-nghiep-tang-tro-lai-1660952515.jpg
Bộ Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó, tập trung bám sát nghị quyết của Chính phủ về phát triển triển thị trường vốn an toàn, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh minh họa

Đây là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) trao đổi về một số cảnh báo lưu ý với các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Thị trường tăng trưởng nóng

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, thị trường TPDN từ năm 2019 đến nay đã tăng trưởng nhanh. Trước dấu hiệu tăng trưởng "nóng", tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN.

Tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 7 tháng năm 2022 là 280.641 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) chiếm 37,2% tổng khối lượng phát hành, các DN bất động sản chiếm 31,5%, xây dựng chiếm 8,8%. Riêng trong tháng 7 vừa qua, 84,4% tổng khối lượng TPDN riêng lẻ phát hành là của các TCTD; các DN bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 1,5% và 0,7%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, thời gian qua, mặc dù khung khổ pháp lý đã được ban hành đầy đủ, nhưng việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, đã dẫn đến các vụ việc vi phạm bị xử lý. Qua công tác quản lý, giám sát, Bộ Tài chính đánh giá thị trường còn các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia trên thị trường. Trong đó, có một số DN đẩy mức lãi suất phát hành trái phiếu lên cao để huy động vốn dù tình hình tài chính còn yếu. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp theo pháp luật dân sự...

Đặc biệt, rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện nay là rủi ro từ các nhà đầu tư cá nhân thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của trái phiếu, nhưng vẫn tham gia mua TPDN. Trên các mạng xã hội, hội nhóm gần đây đã xuất hiện hiện tượng môi giới của một số DN, tổ chức tài chính mời chào người dân mua TPDN như một hình thức gửi tiết kiệm với chào mời hỗ trợ lách luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức phí 2-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, cùng với việc lãi suất có xu hướng tăng cao, việc huy động của DN trở nên khó khăn hơn, các DN bắt đầu có hiện tượng nâng lãi suất TPDN để huy động vốn, đặc biệt là các DN bất động sản, xây dựng.

Những rủi ro từ các hành vi gian lận trong thời gian qua đặt ra yêu cầu cần phải rà soát, sửa đổi pháp lý theo hướng chặt chẽ, tăng cường cơ chế quản lý để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh...

Chính phủ đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN nhằm nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành, hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn, thiết lập cơ sở triển khai thị trường giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp. Đồng thời, nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.

Hoàn thiện khung pháp lý, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, trước thực trạng thị trường TPDN phát triển nhanh và phát sinh nhiều rủi ro, Bộ Tài chính đã thường xuyên khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi cân nhắc tham gia mua TPDN, cần lưu ý các nội dung.

Một là, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. TPDN được DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ, do đó, nhà đầu tư mua TPDN có rủi ro khi DN không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Hai là, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý, các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành, mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của DN phát hành.

Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với DN phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, theo đó không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi, hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

Năm là, tài sản bảo đảm của TPDN, hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán, hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). 

Thông tin về tài sản đảm bảo được DN phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết về bảo đảm của DN phát hành. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Nhà đầu tư phải rất cẩn trọng với các hình thức chào mời thông qua việc ký kết "hợp đồng đầu tư trái phiếu" với các tổ chức (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, DN khác) theo hình thức thỏa thuận dân sự không được coi là chủ sở hữu trái phiếu, hoặc theo các hình thức đầu tư khác không rõ ràng theo quy định của pháp luật là hết sức rủi ro, dẫn đến việc có thể bị mất tiền và không được pháp luật bảo vệ.

Mọi hành vi "lách" các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư), mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.

Dưới góc độ quản lý, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh: Để thị trường TPDN tiếp tục phát triển minh bạch, hiệu quả, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó, bám sát Nghị quyết của Chính phủ về phát triển triển thị trường vốn an toàn, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Để phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ.

Theo đó, về khung pháp lý, Bộ Tài chính sẽ rà soát để báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán, Luật DN, trong đó làm rõ phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán. 

Trước mắt, khi chưa sửa quy định tại Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP nhằm quản lý hoạt động phát hành TPDN vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường, vừa đảm bảo hạn chế tối đa và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

Về quản lý giám sát, tiếp tục tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các DN phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ để nâng cao chất lượng phát hành của DN phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin nhà đầu tư. 

Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng trong quản lý giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN đối với các TCTD và các DN bất động sản, xây dựng; đồng thời cung cấp thông tin cho Bộ Công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Về tuyên truyền, đào tạo, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chào bán và giao dịch TPDN, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của thị trường TPDN, khuyến nghị những rủi ro cho nhà đầu tư, cho DN phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ; đào tạo nhà đầu tư về kiến thức tài chính, đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường TPDN riêng lẻ.