nhin-vao-dau-1627471405.jpg

Chỉ số định giá ngân hàng

Ông Nguyễn Minh Hạnh – Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI lý giải vì sao chỉ số P/B là phương pháp ưa thích để định giá cổ phiếu ngân hàng thay vì P/E như cách định giá cổ phiếu doanh nghiệp. Thông thường, nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng ưa thích P/B, vì đặc thù ngân hàng đầu tư tài sản có tính thanh khoản cao, kinh doanh dựa trên hiệu suất tài sản lớn. Do đó, khi có thay đổi trong chất lượng tài sản sẽ có thay đổi mạnh trong lợi nhuận.

Trong năm 2021, khi có những thay đổi trong lãi suất đầu vào, đầu ra, dẫn đến NIM thay đổi, dẫn đến thay đổi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá trị sổ sách của ngân hàng.

Đến hiện tại, sau khi có mức lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh, dẫn đến định giá cũng tăng 2-2.5 lần, sẽ tạo ra sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng đối với nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ thêm, một ngân hàng có giá trị sổ sách tốt, thì P/B thấp, thể hiện ngân hàng có chỉ số tương đối lành mạnh. Đi kèm đó, lợi nhuận thu được từ chính ngân hàng thể hiện qua P/E cũng tốt. Khi đánh giá doanh nghiệp hay nhìn vào doanh thu, còn ngân hàng chỉ tính trên lãi suất sinh ra thêm từ cho vay hoặc trả lãi. Các khoản thu khác của ngân hàng lại gần như là thu ròng, chỉ trừ đi chi phí hoạt động và một số chi phí khác. Cho nên, cách tính giá trị sổ sách và lợi nhuận của ngân hàng khác rất nhiều so với cách tính cho doanh nghiệp.

Nhìn tổng thể, hai chỉ số P/B và P/E là thông số nhìn nhận giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng tương đối chính xác.

Có thể đánh giá thêm một số yếu tố về chất lượng tài sản của ngân hàng, tỷ lệ bao nợ xấu, cơ cấu CASA trong nguồn vốn huy động hoặc danh mục đầu tư vào ngành hiệu quả hay nhạy cảm… Qua đó, giúp nhà đầu tư có thể đánh giá cổ phiếu ngân hàng tiềm năng không.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản của ngân hàng đó càng tốt

Ông Nguyễn Hưng giải thích tỷ lệ bao phủ nợ xấu có thể hiểu quỹ dự phòng thừa sức bù đắp nợ xấu đang có, nhưng ngân hàng phải trích dự phòng theo tuân thủ của NHNN (gồm dự phòng chung và cụ thể). Dự phòng chung phải trích cho toàn bộ khoản cho vay là 0.75% trên toàn bộ khoản cho vay, số này tương đối lớn.

Ông Hưng dẫn chứng một ngân hàng có quy mô dư nợ từ 1 triệu tỷ đồng, thì phải dành 1 quỹ khoảng 7,500 tỷ đồng để trích dự phòng chung. Nếu ngân hàng có nợ xấu khoảng 2,000 tỷ đồng, thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 3.75 lần. Một khi có nợ xấu, ngân hàng lại phải trích thêm dự phòng cụ thể.

Việc ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn 100%, có nghĩa là việc xử lý nợ xấu tốt và duy trì được nợ xấu đang thấp hơn số dự trữ đang có. Tỷ lệ này cao có nghĩa là ngân hàng đang trích đủ dự phòng, dùng dự phòng đó xóa đi khoản nợ xấu lâu ngày, đồng thời quỹ dự phòng cũng giảm xuống. Nếu tỷ lệ bao nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản của ngân hàng đó càng tốt.

Với đặc tính đặc thù, bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK SSI chia sẻ thêm những chỉ số đáng quan tâm khi nhìn vào BCTC của một ngân hàng gồm chất lượng tài sản (NPL và chỉ số bao nợ xấu) và chỉ số hiệu quả hoạt động (ROE, NIM, CIR).

Quan trọng nhất là ROE, càng cao càng tốt. Trong quá khứ, mức trung bình ROE khoảng 10.5-12% trong giao đoạn 2012-2016. Hiện nay ngân hàng đạt xấp xỉ 20% và thậm chí cao hơn.

Quản trị vốn hiệu quả và tăng vốn là nhu cầu bức thiết của các ngân hàng

Ông Nguyễn Hưng cho biết gần đây nhiều ngân hàng đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng nếu tuân thủ chuẩn mực mới theo quy định NHNN, sẽ được ưu tiên phân bổ room tăng trưởng tín dụng. Phần lớn ngân hàng có hệ số CAR khoảng 9% với NHTMCP, ngân hàng vốn Nhà nước thấp hơn vì việc tăng vốn khó hơn. Để đạt yêu cầu hệ số CAR tối thiểu 8% thì không còn nhiều dư địa.

Khi ngân hàng muốn tăng tài sản có rủi ro, thì tương ứng đòi hỏi một lượng vốn tự có tăng tương ứng. Để duy trì mức tối thiểu, thậm chí một ngân hàng phải duy trì hệ số CAR 10% cho vốn cấp 1, và vốn cấp 2 là 12%. Để đạt chuẩn Basel III trong thời gian tới, hệ số CAR lại tăng thêm 2.5% nữa.

Do đó, ngân hàng lúc nào cũng ở trong xu thế bắt buộc phải tăng vốn thì mới có cơ hội tăng trưởng tín dụng và tăng tổng tài sản. Thêm nữa, quy mô vốn tự có lớn thì sức chống chịu của ngân hàng trước thị trường mới lớn và có cơ hội tăng trưởng. Ngân hàng phải tăng trưởng cho vay thì mới tăng được lợi nhuận, mới có cổ tức trả cho cổ đông.

Do đó, việc quản trị vốn hiệu quả và tăng vốn là nhu cầu bức thiết của các ngân hàng.

Các năm trước, hệ số ROE thấp hơn bây giờ, trung bình ngành chỉ khoảng 10%, hiện nay khoảng 15%, thậm chí có ngân hàng cao hơn 20%. Nhưng nhìn chung tỷ suất sinh lời và chỉ số P/B vẫn khá thấp, do vậy, nhà đầu tư sẽ dễ hấp thụ khi ngân hàng muốn phát hành cổ phiếu mới, phát hành ra công chúng, hoặc việc giữ lại lợi nhuận để chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng thời điểm này là thuận lợi để ngân hàng tăng vốn, vì năm 2020 và cả đầu năm 2021 bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn khả quan, có thể kỳ vọng khả năng sinh lời bằng việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng vẫn đang cao hơn so với các kênh đầu tư khác.

Do yêu cầu cấp thiết về tăng vốn sẽ liên quan đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, do đó ngân hàng cần tăng vốn càng sớm càng tốt.

Cát Lam

fili