Báo cáo tài chính tự lập không có độ tin cậy cao sẽ ảnh hưởng đến không ít nhà đầu tư non kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán - Ảnh: BÔNG MAI
Sau khi đơn vị kiểm toán "soi" dữ liệu trong báo cáo tài chính (BCTC), bên cạnh những doanh nghiệp có bước đảo chiều tích cực, nhiều doanh nghiệp lại hứng cú sụt giảm mạnh.
Hoàng Anh Gia Lai (HAG): "Bốc hơi" gần 10 tỉ đồng, bị nghi ngờ khả năng hoạt động
Công ty cổ phần (CTCP) Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét bán niên năm 2021, với lãi ròng sau thuế hơn 8,3 tỉ đồng, tức giảm gần 55% so với con số 18,3 tỉ đồng mà doanh nghiệp tự công bố trong báo cáo tài chính trước đó. Như vậy, khoản lãi chênh lệnh trước và sau kiểm toán lên tới 9,9 tỉ đồng.
Đơn vị kiểm toán E&Y cũng lưu ý về khoản lỗ lũy kế gần 7.372 tỉ đồng, đồng thời nhận định: "Điều kiện này cùng với những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn".
Riêng về việc "bốc hơi" 55% lãi ròng sau khi đơn vị kiểm toán vào cuộc, doanh nghiệp của Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) giải trình rằng, trong quá trình soát xét, đơn vị kiểm toán đã đề nghị chỉnh tăng giá vốn và giảm dự phòng khoản phải thu.
Dựa vào báo cáo tài chính soát xét, tính tới nửa đầu năm nay, HAGL có tổng tài sản hơn 18.112 tỉ đồng, giảm hơn 51% so với hồi đầu năm.
Doanh nghiệp gánh khoản nợ phải trả hơn 12.986 tỉ đồng, giảm 53% so với hồi đầu năm, tuy nhiên vẫn cao hơn 2,5 lần so với vốn chủ sở hữu.
Do lỗ lũy kế, từ cuối tháng 4-2021 cổ phiếu HAG đã bị rơi vào diện kiểm soát, chỉ được giao dịch vào phiên chiều.
Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA): Giảm 21% lãi ròng
Theo báo cáo tài chính tự lập, nửa đầu năm 2021, CTCP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) cho biết đã ghi nhận lãi ròng sau thuế hơn 96,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau kiểm toán, mức lãi trên đã bị sụt giảm 21% xuống còn 75,7 tỉ đồng.
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp này cho biết, biến động trên do điều chỉnh tăng chi phí quản lý doanh nghiệp.
Với mục tiêu đạt lãi ròng 237 tỉ đồng cho cả năm 2021, sau nửa đầu năm ITA mới chỉ hoàn thành 31% kế hoạch.
Tại thời điểm cuối quý 2, tổng tài sản của ITA đạt hơn 13.360 tỉ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Khoản nợ phải trả giảm xuống còn hơn 2.515 tỉ đồng (-8%). Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng nhẹ lên gần 10.850 tỉ đồng.
Nhựa Đông Á (DAG): Chuyển từ lãi sang lỗ
Tập đoàn Nhựa Đông Á mới công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 với doanh thu hơn 1.107 tỉ đồng
Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã chuyển từ lãi 3,6 tỉ đồng sang lỗ gần 4,8 tỉ đồng (-232%) sau kiểm toán.
Nhựa Đông Á giải trình, việc chênh lệch trên do điều chỉnh doanh thu giảm, giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. Công ty cũng trích lập dự phòng nợ phải thu, tăng khấu hao và trích trước chi phí.
Năm nay doanh nghiệp kỳ vọng đạt tổng doanh thu 1.810 tỉ đồng, lãi sau thuế 28 tỉ đồng. Như vậy, đích đến lãi 28 tỉ đồng cho cả năm vẫn còn cách khá xa, khi nửa đầu năm doanh nghiệp bị thua lỗ.
Cẩn trọng với doanh nghiệp có tiền sử đưa báo cáo tài chính tự lập thiếu độ tin cậy
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở, Chứng khoán Mirae Asset) nhận định, việc bị sụt giảm mạnh lợi nhuận sau kiểm toán cho thấy báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp đó không có độ tin cậy cao.
"Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường đợi báo cáo tài chính đã được kiểm toán, chứ không vội đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp theo báo cáo tài chính tự lập. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mới F0 lại không làm việc này, thường vội đón nhận kết quả là các con số trong báo cáo tài chính doanh nghiệp tự lập (không có độ tin cậy cao), mà không đi tìm nguyên nhân, dẫn đến bị ảnh hưởng đến kết quả đầu cơ".
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, nhà đầu tư nên cẩn trọng với những doanh nghiệp có tiền sử chênh lệch lớn kết quả kinh doanh của báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán, đặc biệt theo hướng điều chỉnh giảm mạnh. Sự bất nhất này cũng phản ánh năng lực quản trị của người điều hành doanh nghiệp.
BÔNG MAI
Tuổi Trẻ