Thị trường chứng khoán diễn biến theo chiều hướng tiêu cực trong ngày giao dịch hôm qua 9/7 đóng cửa giảm gần 14 điểm, mức gần thấp nhất trong ngày. Khép phiên, chỉ số VN-Index giảm 13,87 điểm, đóng cửa ở mức 1.374,68 điểm. HNX-Index cũng giảm 3,85 điểm xuống 315,98 điểm. Trong khi, UPCoM-Index giảm 0,65 điểm xuống 88,49 điểm.
Tuy vậy, vẫn có những mã ngược chiều thị trường, tăng giá phi mã, dù không có thông tin nào tích cực. Nổi bật trong số này là mã BLN của Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh. Theo đó, chốt phiên giao dịch, BLN vượt trần 14,9% lên 8.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mỗi cổ phiếu tăng 1.100 đồng.
Trước phiên hôm qua, cổ phiếu BLN trải qua 8 phiên tăng trần, trong đó 5 phiên liên tiếp từ 28/6 – 2/7. Tính chung từ 21/6 – 8/7, cổ phiếu BLN tăng tới 286%, giúp mỗi cổ phiếu có thêm 6.300 đồng.
Dù tăng giá mạnh nhưng thị giá cổ phiếu BLN vẫn dưới mệnh giá. Thanh khoàn cũng không cao, trung bình chỉ 106 cổ phiếu mỗi phiên. Nhiều ngày thậm chí còn bị đóng băng thanh khoản.
BLN là doanh nghiệp chuyên về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và xe có động cơ khác... Doanh nghiệp vốn trực thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Từ 2016, BLN đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ đông của BLN ngoài Tổng công ty Vận tải Hà Nội còn có Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hồng Bàng 19,84% vốn, Công ty cổ phần Parus giữ 16% và nhiều cổ đông cá nhân khác.
Báo cáo tài chính cho thấy năm 2020, doanh thu của BLN giảm 15% về mức 157 tỷ đồng, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Lợi nhuận của BLN cũng giảm mạnh 87% về còn 281 triệu đồng.
Ngoài BLN, thị trường gần đây cũng chứng kiến đà tăng thần tốc của cổ phiếu BVL của Công ty cổ phần BV Land. Khép lại ngày giao dịch hôm qua, mã BVL tăng 6,38% lên 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mỗi cổ phiếu thêm 1.500 đồng. Trước đó, BVL cũng trải qua chuỗi 7 phiên tăng trần liên tục.
BVL tiền thân là Công ty cổ phần Xây dựng Vinaenco, thành lập ngày 21/10/2008 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. BV Land hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Từ thời điểm thành lập cho tới nay, BVL đã trải qua 3 lần tăng vốn, tất cả đều thông qua hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu. Sau 3 lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện tại của BVL là 220 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của BVL khá cô đặc, gồm công ty mẹ là Tập đoàn Bách Việt nắm giữ 59,7% vốn, BV Asset sở hữu 19,2% cổ phần, còn lại là các cổ đông khác.
BV Land chủ yếu làm các dự án khu đô thị, chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... ở Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Hà Nội.
Một cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư chú ý gần đây là VOS của Công ty cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco). Chốt phiên 8/7, mã này tăng 1,55% lên 7.200 đồng/cổ phiếu.
Mã VOS gần đây gây nhiều bất ngờ bởi chuỗi tăng trần 10 phiên giao dịch liên tiếp từ 14 – 25/6. Đà tăng mạnh mẽ trong 10 ngày giao dịch liên tiếp giúp cổ phiếu Vosco giá cao hơn gần 100%. Thanh khoản cổ phiếu dao động 1 - 4 triệu đơn vị mỗi phiên, gấp nhiều lần so với mức trước tháng 12/2020.
Dù tăng thần tốc vậy song cổ phiếu VOS vẫn dưới mệnh giá và đang trong diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2019 và lợi nhuận sau thuế năm 2020 là số âm.
Báo cáo tài chính cho thấy, quý I/2021 VOS lỗ trước thuế 19,5 tỷ đồng. Tính đến 31/3, tổng tài sản giảm 2% xuống 2.737 tỷ đồng, phần lớn là tài sản dài hạn (chiếm 68%, tương đương 1.869 tỷ đồng).
Hiện VOS gánh khoản nợ phải trả 2.248 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn 1.286 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ở mức 1.225 tỷ đồng, trong đó nợ vay dài hạn chiếm 63%.