Người dân bức xúc nước rỉ rác chảy xuống suối
Đầu tháng 11/2022, phóng viên báo Dân Việt nhận được phản ánh về việc môi trường quanh Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Đà Lạt (thuộc Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh) khiến việc sản xuất nông nghiệp của người dân bị đảo lộn. Mặc dù đã nhiều lần phản ánh đến UBND xã, thành phố nhưng sự việc vẫn nhiều năm diễn ra dưới sự bất lực của người dân.
Thời điểm phóng viên có mặt cạnh nhà máy rác trên, một ống khói cũng liên tục xả ra thứ khói màu đen xì khi hệ thống đốt rác hoạt động. Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên đã tiếp cận được con suối nhỏ dẫn dòng nước thải trực tiếp của nhà máy đổ ra môi trường.
Anh Đ.M.T (cầu Suối Dục, xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt) có vườn cà phê gần nhà máy rác bức xúc cho biết: "Gần 1ha cà phê của gia đình tôi mấy năm nay không có nước tưới. Trong khi đó, con suối nhỏ dưới vườn trước đây đủ nước tưới cà phê, phun thuốc chống bọ xít muỗi hiện nay là một dòng nước đen xì chảy ra từ nhà máy rác. Nhiều hộ dân của chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến UBND xã Xuân Trường, UBND TP.Đà Lạt và cả lãnh đạo nhà máy rác nhưng vẫn như chưa có gì xảy ra".
Ghi nhận của phóng viên, con suối trên trước đây là nước nguồn từ những quả đồi chảy ra rất sạch, người dân dùng để tưới cà phê, phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Tuy nhiên, từ khi Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt tại xã Xuân Trường được vận hành thì dòng suối trên đã bị nhuộm đen.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt được đầu tư bởi Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh với tổng vốn hơn 380 tỷ đồng. Nhà máy được triển khai trên diện tích 28ha tại tiểu khu 163B, xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt, công suất trung bình 200 tấn rác/ngày.
Đến nay, để có nước phun thuốc diệt bọ xít muỗi, anh T phải đào một hố nhỏ giữa vườn để tích nước. Tuy nhiên, hố nước trên chỉ tích được khoảng 100 lít nước, không đủ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Người dân có vườn cà phê xung quanh nhà máy rác trên cho biết, cách đây khoảng 1 năm, khoảng 50 tấn rác tại nhà máy trên đã đổ ập xuống vườn cà phê của 2 hộ dân, vùi lấp khoảng 20m dòng chảy phía dưới và một phần diện tích canh tác cà phê. Đến nay, người dân dù đã cố gắng khắc phục nhưng cứ trồng cà phê là lại chết. Trong khi đó, lượng mảnh chai vỡ và kim tiêm còn lại không được nhà máy thu gom triệt để khiến người dân lo ngại khi làm việc.
Chủ yếu là đốt rác
Liên quan đến những vấn đề về môi trường của Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt thuộc Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thì nhà máy trên vẫn chậm tiến độ đầu tư, không thực hiện đúng mục tiêu, cam kết đầu tư như: Sản xuất phân vi sinh, gạch block, hạt nhựa, dầu DO mà chỉ dừng lại ở giai đoạn xử lý, đốt rác là chủ yếu.
Đến thời điểm hiện tại, công ty chỉ thực hiện được một phần nội dung về bảo vệ môi trường theo yêu cầu tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Công ty trên đã xây dựng nhưng chưa hoàn thành hệ thống thoát nước mặt trong khu vực nhà máy mà chỉ đào rãnh thu gom và thoát nước mặt dọc tuyến đường nội bộ của dự án.
Mặc dù nhà máy đã đào một số mương xung quanh khu vực chứa rác để gom nước mưa chảy tràn và nước rỉ rác từ bãi tập kết làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh. Tuy nhiên, mương nước chưa được lót bạt có nguy cơ thẩm thấu nước rỉ rác vào đất, có nguy cơ sạt lở khi trời mưa.
Chủ đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt cũng chưa xây dựng hệ thống thu gom, xử lý mùi tại phân xưởng phân loại chế biến rác và hệ thống xử lý khí thải từ lò đốt rác.
Trao đổi với phóng viên, người dân mong muốn Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh nhanh chóng khắc phục việc nước rỉ rác chảy trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, lao động sản xuất của người dân. Đặc biệt, người dân cho hay, dù dòng suối nhỏ nhưng chảy xuống đến đập nước Đất Làng, nơi có nhiều hộ dân sinh sống, sử dụng nước hồ.
Liên quan đến tình trạng nước rỉ rác quanh năm được thải ra môi trường tự nhiên, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Cao Trần Quốc Trí - Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt. Tuy nhiên, ông Trí liên tục "lỡ hẹn", không làm việc với phóng viên về vấn đề người dân phản ánh.